8 yếu tố sẽ định hình nền kinh tế Mỹ năm 2024
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động bền bỉ trong năm 2023 và nhiều chuyên gia tin rằng kịch bản “hạ cánh mềm” sẽ sớm thành hiện thực.
Trong năm 2023, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể, tốc độ tăng trưởng việc làm được duy trì ổn định và đầu tư cho sản xuất tăng vọt. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lãi suất vay thế chấp mua nhà vẫn ở mức cao, chương trình thanh toán nợ vay sinh viên được khôi phục và nhiều chi phí sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, nơi ở vẫn ở mức cao.
Các nhà kinh tế kỳ vọng 2024 sẽ là một năm tương đối yên bình - hoặc “nhàm chán”. JP Morgan Asset Management, Goldman Sachs và S&P Global đều dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 2% trong bối cảnh nền kinh tế chuyển sang giai đoạn “hạ cánh nhẹ nhàng”.
Wells Fargo dự đoán lạm phát lõi tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi) - thước đo yêu thích của Fed - sẽ giảm về còn 2,2% trong quý IV/2024.
Dưới đây là 8 yếu tố sẽ định hình nền kinh tế trong năm mới, theo tờ Business Insider:
Lạm phát giảm tốc rõ rệt
Áp lực giá đã suy giảm rõ rệt trong năm 2023. Hồi tháng 1, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 6,3% nhưng đến tháng 11 thì đã giảm xuống còn 3,1%. Giá thực phẩm, năng lượng và hàng hóa tăng chậm lại là yếu tố giúp lạm phát đi xuống. Nhà Trắng dự đoán chi phí nhà ở có thể sẽ dịu bớt trong năm tới.
Tuy nhiên lúc này, người Mỹ vẫn đang phải chịu tác động từ sự gia tăng của giá nhà ở, quần áo và tạp phẩm. Trong tháng 11, giá nhà ở và chi phí thuê nhà lần lượt tăng 5,5% và 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hàng tạp hóa đi lên 1,7% và quần áo tăng 1,1% so với một năm trước.
Lãi suất có thể sắp đi xuống
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần trong năm 2023, qua đó đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5,25 - 5,5%. Trong cuộc họp tháng 12, các quan chức ra hiệu họ sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ năm 2024 và hy vọng đưa lãi suất xuống khoảng 2 - 2,5% vào năm 2026.
Lãi suất chính sách của Fed có thể đã đạt đỉnh nhưng vẫn ảnh hưởng đến các loại lãi suất khác trong nền kinh tế. Ví dụ, lãi suất thẻ tín dụng đang ở mức cao kỷ lục là 20,7%, theo Bankrate. Trong khi đó, lãi suất vay mua nhà cố định kỳ hạn 30 năm đạt gần 7,5%. Theo một số ước tính, bây giờ là một trong những thời điểm đắt đỏ nhất để mua nhà tại Mỹ.
Thị trường việc làm có thể tiếp tục hạ nhiệt
Tốc độ tăng trưởng việc làm nhìn chung ổn định trong năm 2023 nhưng đã xuống thấp hơn hai năm trước. Trung bình mỗi tháng Mỹ có thêm 232.200 việc làm, cao hơn 50.000 so với số liệu năm 2018 và 2019. Và kể từ đầu năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp đã duy trì ở mức tương đối ổn định trong khoảng 3 - 4% bất chấp lãi suất gia tăng.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ trong năm tới, lên mức 4,4% vào quý IV/2024. Tuy nhiên, con số này vẫn khá thấp khi so với trước đây. Điều này cho thấy người Mỹ không nên quá lo ngại về nguy cơ mất việc.
Nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng yếu hơn trước
Theo khảo sát Blue Chip Economic Forecast, các chuyên gia dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Mỹ là 2,6%. Nền kinh tế được trợ giúp đáng kể bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ bất chấp lạm phát vẫn ở mức cao. Chi tiêu của người Mỹ hầu như đều tăng sau mỗi tháng, chỉ trừ tháng 3.
Tăng trưởng kinh tế cũng được thúc đẩy bởi vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Trong quý III, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào xây dựng nhà máy, công xưởng đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 1958. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ được cho là sẽ giảm tốc trong năm 2024. Hầu hết các ngân hàng và nhà chuyên gia hàng đầu ước tính tốc độ tăng trưởng năm tới nằm trong khoảng 0,5% - 2%.
Công chúng bớt bi quan về nền kinh tế
Theo các khảo sát về người tiêu dùng của Đại học Michigan và The Conference Board, người tiêu dùng có thể đã thay đổi nhận định về nền kinh tế. Trong tháng 12, Chỉ số Tâm lý Tiêu dùng của Đại học Michigan tăng 13,7% so với tháng liền kề. Nếu so với một năm trước, chỉ số này tăng 16,6%.
Bà Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của The Conference Board, bình luận về báo cáo tổ chức này công bố vào tuần trước: “Niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện trong tháng 12. Diễn biến này cho thấy công chúng đã có cái nhìn tích cực hơn về điều kiện kinh doanh và việc làm. Đồng thời, họ cũng bớt bi quan hơn về triển vọng kinh doanh, việc làm và thu nhập cá nhân trong 6 tháng tới”.
Nợ vay sinh viên đè nặng lên người tiêu dùng
Chính phủ Mỹ khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên vào ngày 1/10 sau ba năm tạm hoãn. Tính đến tháng 6/2023, tổng quy mô các khoản vay sinh viên liên bang là 1.640 tỷ USD. Trung bình mỗi người đi vay vẫn còn nợ 38.000 USD.
Việc khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người phải dùng thu nhập hàng tháng để trả nợ thay vì mua sắm hay tiết kiệm.
Nền kinh tế Mỹ vượt trội so với các nước khác
Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt hơn hầu hết các quốc gia trong nhóm G7. Trong tháng 10, lạm phát của Mỹ thấp hơn Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản, tuy vẫn cao hơn Italy và Canada.
Trong quý III, Mỹ là nước ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất - 1,2% so với quý liền trước. Nếu tính từ quý IV/2019, Mỹ cũng là nước đứng đầu về tốc độ tăng trưởng GDP trong nhóm G7 với mức tăng 7,4%.
Taylor Swift và ChatGPT
Chuyến lưu diễn Eras Tour của Taylor Swift và Renaissance World của Beyoncé đã dạy cho người Mỹ một vài điều về nền kinh tế. Nhiều người tiêu dùng chi hàng nghìn USD cho vé ca nhạc và tham dự các sự kiện, góp phần giúp giá vé xem phim và rạp hát đi lên 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều người sẵn sàng bay đến những vùng khác trong nước hoặc nước ngoài để xem những nghệ sĩ này. Đây là xu hướng đáng ngạc nhiên trong bối cảnh lạm phát vẫn đi lên.
ChatGPT cũng gây chú ý nhờ khả năng giúp con người làm việc hiệu quả hơn — và nguy cơ cướp mất việc làm của người lao động. Trong khi nhiều nhà kinh tế không chắc chắn trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động đến thị trường việc làm như thế nào, nhiều người tin rằng công nghệ này có thể làm tăng năng suất và doanh thu cho các doanh nghiệp.