|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao US Steel - trụ cột một thời của nền kinh tế Mỹ - phải bán mình cho đối thủ Nhật Bản?

15:30 | 20/12/2023
Chia sẻ
Lịch sử huy hoàng của US Steel, doanh nghiệp tiếng tăm từng là trụ cột của nền kinh tế Mỹ, có lẽ sắp kết thúc.

 

US Steel đã đồng ý bán mình cho Nippon Steel của Nhật Bản với giá 14,1 tỷ USD. Lịch sử 122 năm của biểu tượng kinh tế một thời này có thể sắp khép lại. (Ảnh: Getty Images).

US Steel từng là công ty giá trị nhất thế giới và là niềm tự hào của nước Mỹ. Hôm 18/12, biểu tượng một thời này đã đồng ý bán mình cho Nippon Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản, với giá 14,1 tỷ USD (tương đương 55 USD/cp).

Biến động tại US Steel cho thấy những chuyển biến trong nền kinh tế Mỹ, khi nước này chuyển trọng tâm từ phát triển lĩnh vực sản xuất sang ưu tiên các ngành dịch vụ. Đây là một chuyển động sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi sâu sắc về kinh tế và chính trị ở siêu cường số một thế giới.

Thoả thuận vấp phải sự phản đối của người Mỹ

Theo Nippon Steel, các cổ đông của US Steel sẽ bỏ phiếu cho thoả thuận thâu tóm vào tháng 3/2024 và giao dịch sẽ kết thúc vào quý II hoặc quý III nếu hai bên vượt qua được các rào cản pháp lý.

Mã “X” đại diện cho cổ phiếu của US Steel sẽ biến mất khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York do tài sản của công ty sẽ bị Nippon Steel tiếp quản.

Nhiều người Mỹ đã lên tiếng phản đối việc US Steel bán mình cho một đối thủ nước ngoài, The Hill thông tin. Để xoa dịu tình hình, Nippon Steel tuyên bố sẽ giữ tên US Steel trong các hoạt động hiện tại cũng như giữ trụ sở chính tại thành phố Pittsburg.

Trong một cuộc họp với các nhà đầu tư vào đầu tuần này, ông Takahiro Mori, Phó Giám đốc cấp cao của Nippon Steel, cho biết nhà sản xuất thép Nhật Bản “rất trân trọng US Steel, lịch sử và những đóng góp mà hãng đã mang lại cho xã hội”.

Song, công đoàn United Steelworkers tuyên bố sẽ chống lại thoả thuận nói trên và đang thúc giục các cơ quan quản lý ngăn chặn việc US Steel bán cho một đối thủ ngoại quốc. Giới chính trị gia cũng nhanh chóng bày tỏ ý kiến, theo CNN.

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà J. D. Vance nhấn mạnh: “Hôm nay, một phần quan trọng của nền tảng công nghiệp quốc phòng Mỹ đã bị bán cho người ngoài để đổi lấy tiền. Tôi đã cảnh báo về kết cục này từ nhiều tháng trước và sẽ phản đối nó trong những tháng tới”.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Fetterman cũng chỉ trích thoả thuận và hứa sẽ ngăn chặn giao dịch. “Thật bất bình khi US Steel đồng ý bán mình cho một công ty nước ngoài. Thép luôn có mối liên hệ với an ninh - cả an ninh quốc gia và an ninh kinh tế...”, ông nhận xét.

Nhà máy US Steel tại Chicago trước khi bị đóng cửa vào năm 1992. (Ảnh: Getty Images).

Động cơ một thời của cỗ máy kinh tế Mỹ

US Steel được thành lập tại Pittsburgh vào năm 1901, là kết quả từ cuộc sáp nhập các công ty thép hàng đầu quốc gia, bao gồm Carnegie Steel. Thoả thuận được dàn xếp bởi hai tên tuổi tài chính lừng lẫy là J. P. Morgan và Charles Schwab.

US Steel nhanh chóng trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt giá trị hơn 1 tỷ USD, gấp đôi ngân sách cả năm đó của chính phủ Mỹ. Thoả thuận cũng giúp chủ sở hữu công ty là Andrew Carnegie trở thành người giàu nhất hành tinh.

Những năm đầu thế kỷ 20, US Steel sản xuất rất nhiều thép, giúp Mỹ trở thành siêu cường kinh tế toàn cầu. US Steel không chỉ cung cấp thép cho các toà nhà chọc trời, cầu cống đường xá mà còn cho ô tô, thiết bị máy móc mà người tiêu dùng Mỹ rất cần.

Trong suốt thế kỷ 20, công nhân đổ xô đến Pittsburg và các thành phố thuộc Vành đai Rỉ sét để tìm kiếm những công việc có mức lương hậu hĩnh. Khi đó, lò cao không chỉ tạo ra thép, khói bụi mà còn cả lợi nhuận cao ngất.

Theo một câu chuyện trên tờ Pittsburgh Post-Gazette nhân kỷ niệm 100 năm thành lập US Steel vào năm 2001, công ty báo cáo số lượng nhân công cao nhất là 340.000 vào năm 1943, trong Thế chiến thứ hai.

Bài viết còn cho biết sản lượng thép của US Steel đạt đỉnh vào năm 1953. Thời điểm đó, ông lớn này xuất xưởng khoảng 35,8 triệu tấn thép, trong khi các nhà sản xuất ở châu Âu và Nhật Bản vẫn đang vật lộn để phục hồi sau chiến tranh.

Trên thực tế, sức ảnh hưởng của US Steel còn lớn đến mức các nhà lập pháp phải soạn ra luật chống độc quyền nhằm kiểm soát sức mạnh chiến lược và tài chính của công ty này.

 

Cái tên dần lui vào dĩ vãng

Trong những năm gần đây, US Steel đã tụt lại phía sau các nhà sản xuất thép khác cả về sản lượng lẫn giá trị thị trường. Và ngành công nghiệp thép của Mỹ cũng không thể vượt qua cái bóng của chính mình khi không có cái tên nào lọt vào danh sách 10 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Ông Charles Bradford, một nhà phân tích lâu năm trong ngành thép, cho hay: “US Steel đã đạt đỉnh vào năm 1916. Kể từ sau đó, công ty không ngừng lao dốc. Trong nhiều thập kỷ qua, US Steel không có thành tựu gì”.

Năm ngoái, US Steel chỉ xuất xưởng 11,2 triệu tấn thép và có chưa đến 15.000 nhân viên tại Mỹ. Doanh thu cả năm đạt 21 tỷ USD, chỉ tương đương doanh số hai tuần của ông lớn ngành bán lẻ Walmart.

Từ thời kỳ đỉnh cao, US Steel bắt đầu tụt dốc. Đầu tiên, biểu tượng một thời của Mỹ tụt lại phía sau các đối thủ ở Nhật Bản và Đức, những doanh nghiệp từng phải gây dựng lại từ đầu sau Thế chiến thứ hai.

Nhìn thấy các đối thủ Nhật Bản và Đức sử dụng những công nghệ mới ít tiêu tốn năng lượng và nhân công hơn, US Steel và các nhà sản xuất thép khác cũng nối gót và nâng cấp nhà máy cũng như thiết bị.

Song, các công ty thép của Mỹ vẫn chủ yếu sử dụng những phương pháp cũ hơn để sản xuất thép. Chẳng hạn , US Steel vẫn nấu chảy các nguyên liệu thô như quặng sắt trong lò cao khổng lồ.

Sau đó, US Steel và các hãng thép Mỹ lại sớm tụt lại đằng sau những “nhà máy mini”, các đối thủ sử dụng lò hồ điện quang để biến thép phế liệu cũ thành sản phẩm thép mới. Phải đến năm 2020 US Steel mới mở lò hồ điện quang đầu tiên.

Ông Bradford nhấn mạnh: “Những gì US Steel có là công nghệ của những năm 1940”. Giữa lúc đó, các nhà máy thép ở Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã kịp vượt lên phía trước.

Mặc dù đến nay US Steel vẫn có lãi, thời gian hoạt động của công ty này với tư cách một doanh nghiệp độc lập có thể sắp chấm dứt, trừ khi các cơ quan quản lý ngăn chặn thoả thuận thâu tóm của Nippon Steel.

Tuy nhiên, ngay cả khi thoả thuận trên bị chặn đứng, US Steel có thể sẽ vẫn bán mình cho một nhà sản xuất thép khác. Công ty này đã trở thành mục tiêu mua lại của nhiều hãng thép kể từ tháng 8.

Mỹ không có cái tên nào lọt vào danh sách 10 hãng thép lớn nhất thế giới tính theo sản lượng.

Khả Nhân