Những 'niềm tự hào của nước Mỹ' phải bán mình cho nước ngoài
Theo CNN, US Steel từng là niềm tự hào của nước Mỹ. Đã có thời điểm, US Steel là doanh nghiệp có giá trị nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hôm 18/12, công ty 122 tuổi này đã đồng ý để Nippon Steel của Nhật Bản mua lại với giá 14,1 tỷ USD.
US Steel được thành lập vào năm 1901 dưới sự sáp nhập của ba công ty Carnegie Steel, Federal Steel Company và National Steel Company. Những nhà sáng lập của công ty là các tên tuổi hàng đầu của giới tư bản Mỹ thời bấy giờ, bao gồm J.P. Morgan, Andrew Carnegie, Charles M. Schwab ...
Đã có thời điểm US Steel là công ty sản xuất thép lớn nhất trên thế giới và doanh nghiệp đầu tiên có trị giá vượt mốc 1 tỷ USD. Công ty cũng từng là thành phần của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones từ 1901 đến 1991, cũng như là thành viên trong S&P 500 từ 1957 tới 2014.
Tuy nhiên, khi bước sang thế kỷ 20, vị thế của US Steel ngày càng sa sút. Mức giá mà công ty bán mình cho đối thủ từ Nhật Bản thấp hơn số tiền mà ông J.P. Morgan đã bỏ ra (17,3 tỷ USD sau khi điều chỉnh lạm phát) để tài trợ cho thương vụ sáp nhập ba ông lớn ngành thép vào năm 1901.
Không chỉ riêng US Steel, nhiều doanh nghiệp từng là niềm tự hào của nước Mỹ cũng đã bị các công ty nước ngoài mua lại.
General Electric Appliances
Có lẽ không có doanh nghiệp nào thể hiện tinh thần tiên phong của nước Mỹ hơn General Electric (GE). Công ty được thành lập bởi nhà phát minh huyền thoại Thomas Edison.
- TIN LIÊN QUAN
-
Sự trỗi dậy và suy tàn của tượng đài công nghiệp Mỹ: Khủng hoảng tài chính hay quản trị sai lầm đã nhấn chìm General Electric? 11/12/2022 - 16:35
Tuy nhiên, người Mỹ đang sử dụng thiết bị gia dụng của GE có thể không nhận ra rằng mảng kinh doanh có tuổi đời hàng thế kỷ này lại thuộc sở hữu của tập đoàn Haier có trụ sở tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Năm 2016, Haier đã mua lại GE Appliances với giá 5,6 tỷ USD.
Ngoài thương vụ bán GE Appliances và nhiều mảng kinh doanh khác, GE cũng đang trong quá trình tách làm ba. Mảng hoạt y tế đã được tách khỏi tập đoàn vào đầu năm nay, trong khi mảng năng lượng dự kiến sẽ rời GE vào năm 2024. Sau đó, công ty dự kiến sẽ chỉ còn hoạt động trong lĩnh vực hàng không.
Budweiser
Theo trang web của hãng, nhà máy bia Budweiser, được thành lập ở Mỹ vào năm 1879. Công ty đã tiên phong trong công nghệ thanh trùng, cho phép bia được vận chuyển khắp nước Mỹ mà không bị hư hỏng.
Nhưng công ty mẹ của Budweiser đã được tập đoàn rượu đến từ châu Âu InBev mua lại vào năm 2008. Sau đó, InBev đã thành lập công ty mới: AB InBev, có trụ sở tại Leuven, Bỉ. AB InBev còn sở hữu các thương hiệu bia nổi tiếng khác như Corona và Stella Artois.
Burger King
Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng Burger King được thành lập tại Miami, bang Florida vào năm 1954. Burger King đã trở thành một phần của Restaurant Brand International (RBI) từ Canada trong gần một thập kỷ qua.
RBI được thành lập vào năm 2014 sau thương vụ sáp nhập trị giá 12,5 tỷ USD giữa Burger King và quán cà phê Tim Horton’s. Trụ sở chính của RBI nằm tại Toronto, Canada nhưng Burger King vẫn có trụ sở điều hành tại Miami.
7-Eleven
7-Eleven là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng nhất ở Mỹ với hơn 13.000 cửa hàng. Tuy nhiên, Nhật Bản còn có số lượng cửa hàng 7-Eleven nhiều hơn.
Đó là bởi vì chuỗi cửa hàng tiện lợi có tuổi đời gần 100 năm này đang thuộc sở hữu của Seven & I, một nhà bán lẻ Nhật Bản. 7-Elven được thành lập vào năm 1927 tại bang Texas.
Seven & I chính thức trở thành chủ sở hữu duy nhất của 7-Eleven vào năm 2005. Ito-Yokado, một công ty con của Seven & I, lần đầu tiên mua cổ phần của 7-Eleven vào năm 1991.
Trader Joe's
Chuỗi cửa hàng tạp hóa Trader Joe's được thành lập vào năm 1967 tại bang California. Tuy nhiên, kể từ năm 1979, chuỗi tạp hóa này đã thuộc sở hữu của một công ty bán lẻ nổi tiếng từ Đức: Aldi.
Aldi được thành lập bởi hai anh em Karl và Theo Albrecht vào năm 1946. Sau đó, công ty đã bị chia đôi vào những năm 1960. Gia đình ông Theo Albrecht sở hữu Aldi Nord, còn ông Karl sở hữu Aldi Sud.
Trader Joe's thuộc quyền sở hữu của Aldi Nord từ năm 1979, trong khi các cửa hàng tạp hóa mang thương hiệu Aldi ở Mỹ thuộc sở hữu của Aldi Sud. Do đó, Trader Joe’s và thương hiệu Aldi tại Mỹ trên thực tế không có quan hệ gì với nhau.
Jeep, Chrysler và Dodge
Những chiếc xe Jeep đã từng được quân đội Mỹ sử dụng làm phương tiện trinh sát trong Thế chiến II. Mẫu xe huyền thoại này sau đó được thương mại hóa và trở thành Jeep Wrangler.
Tuy nhiên, Jeep cùng các thương hiệu chị em là Chrysler và Dodge đã thuộc sở hữu của doanh nghiệp châu Âu kể từ năm 2014, khi Fiat Group đã mua lại 100% vốn của Chrysler Group. Vào năm 2021, Fiat Chrysler đã sáp nhập với PSA Group của Pháp, tạo ra Stellantis.
Gã khổng lồ ô tô có trụ sở tại Amsterdam hiện là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 trên thế giới tính theo số lượng xe cũng như nằm trong nhóm ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ.
Frigidaire
Frigidaire đã tạo ra rất nhiều sản phẩm đầu tiên tại Mỹ: tủ lạnh khép kín đầu tiên và tủ đông gia đình đầu tiên. Frigidaire đã là một phần của GE Appliances từ năm 1919 đến năm 1979.
Sau một thời gian ngắn thuộc quyền sở hữu của White Consolidated Industries, Frigidaire được nhà sản xuất thiết bị gia dụng đa quốc gia Thụy Điển Electrolux mua lại vào năm 1986.