|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Làn sóng phá sản dâng lên trên toàn thế giới, ngày càng nhiều doanh nghiệp sụp đổ

07:37 | 19/12/2023
Chia sẻ
Việc lãi suất tăng cao và nhiều chương trình hỗ trợ thời đại dịch kết thúc đã đặt dấu chấm hết cho nhiều doanh nghiệp. Công ty nghiên cứu Allianz Research cho biết số doanh nghiệp phá sản đã gia tăng tại hầu hết các nước trên thế giới.

(Hình minh họa: Juan Bernabeu). 

Đảo ngược xu hướng

Tại hầu hết các nước phát triển, số trường hợp doanh nghiệp phá sản đang gia tăng với tốc độ hai chữ số trong bối cảnh chi phí vay nợ tăng cao và các chương trình hỗ trợ thời đại dịch kết thúc.

Dữ liệu của tòa án cho thấy số vụ doanh nghiệp phá sản tại Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng 9 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự thay đổi lớn sau 10 năm sụt giảm liên tiếp.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), số vụ phá sản trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng cao hơn 25% so với một năm trước. Còn nếu tính trên toàn EU, số lượng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã nhảy vọt 13%, leo lên mức cao nhất trong vòng 8 năm, theo Eurostat.

Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết nguyên nhân khiến các vụ vỡ nợ và phá sản gia tăng đột biến là lãi suất cao, chi phí năng lượng đắt đỏ và nhiều “doanh nghiệp thây ma” sống dựa vào hỗ trợ COVID của chính phủ đã sụp đổ.

Giới phân tích cho biết các ngành chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán tăng mạnh nhất là vận tải và khách sạn.

 

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, tổng quy mô các chương trình hỗ trợ mà chính phủ trên toàn thế giới cung cấp cho doanh nghiệp và các hộ gia đình lên tới hơn 10.000 tỷ USD. Số tiền này là một trong những yếu tố chính giúp doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn đầy khó khăn của đại dịch COVID-19.

Nhưng cho tới nay, các chương trình hỗ trợ hầu như đã kết thúc. Ông Shearing cảnh báo rằng làn sóng phá sản sẽ tiếp diễn do nhiều doanh nghiệp phải đảo nợ trong những tháng tiếp theo ở mức lãi suất cao hơn đáng kể so với trước đây. Theo các nhà phân tích, tình trạng này sẽ đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu và tăng trưởng việc làm trong vài năm tới.

Bà Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, lo ngại doanh nghiệp thây ma không phải là những công ty duy nhất phải đóng cửa. Sự thắt chặt nhanh chóng của chính sách tiền tệ có nguy cơ sẽ đẩy nhiều start-up hứa hẹn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tới bờ vực, gây ra “hậu quả lâu dài cho tăng trưởng”.

Dự báo tương lai

Công ty dịch vụ tài chính Allianz dự báo số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trên toàn cầu sẽ tăng 10% vào năm 2024, cao hơn đáng kể con số 6% của năm 2023.

Ông Maxime Lemerle, nhà phân tích cấp cao tại Allianz Research, nói với tờ Financial Times (FT): “Chúng tôi nhận thấy số trường hợp mất khả năng thanh toán đã đi lên tại hầu hết mọi quốc gia trên thế giới”.

 

Ở Pháp, Hà Lan và Nhật Bản, số trường hợp phá sản trong tháng 10 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lưu ý rằng tại một số quốc gia, bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, số doanh nghiệp phá sản đã vượt quá các con số được ghi nhận trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

Tại Anh và xứ Wales, số trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng leo lên mức cao nhất kể từ năm 2009, theo cơ quan chính phủ Insolvency Service.

Theo Allianz, cho tới nay, các doanh nghiệp thâm dụng lao động trong ngành khách sạn, vận tải và bán lẻ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng trong thời gian tới, các ngành nhạy cảm với lãi suất như xây dựng và bất động sản cũng sẽ gặp căng thẳng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng trợ cấp năng lượng và những biện pháp khác sẽ giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững trong môi trường lãi suất cao. Điều này có nghĩa là đỉnh điểm của tình trạng mất khả năng thanh toán sẽ không tồi tệ như nhiều giai đoạn khó khăn trước đây.

Không ít doanh nghiệp đã tích lũy được bộ đệm tiền mặt tốt và ký kết các thỏa thuận tài trợ với chi phí rẻ trong thời kỳ lãi suất thấp. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Và trên thực tế, số liệu phá sản tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức và Pháp vẫn ở mức tương đối khiêm tốn khi so với các tiêu chuẩn lịch sử. 

Giang