|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Công ty dụng cụ cơ khí lớn nhất nước Mỹ không sản xuất nổi một chiếc cờ lê trên đất Mỹ

12:47 | 26/07/2023
Chia sẻ
Stanley Black & Decker đã đầu tư 90 triệu USD xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Texas để đem hoạt động sản xuất dụng cụ cơ khí về nước Mỹ. Tuy nhiên, dự án này đã phải chấm dứt sau ba năm rưỡi.

Hình ảnh cờ lê được sử dụng trong một số áp phích cổ động của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai. (Ảnh: Getty Images). 

Năm 2019, Stanley Black & Decker đã xây dựng một nhà máy trị giá 90 triệu USD ở rìa thành phố Fort Worth, bang Texas.

Mục tiêu của dự án là gán cho các sản phẩm của thương hiệu Craftsman cái mác “Sản xuất tại Mỹ”. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất tự động hóa của Stanley đã thất bại thảm hại. Đến tháng 3 năm nay, Stanley thông báo đóng cửa nhà máy và đăng quảng cáo tìm người mua lại.

Nhà máy ở Fort Worth được dự báo sẽ cho xuất xưởng 60 triệu dụng cụ mỗi năm. Nhưng vài tuần sau khi nhà máy đóng cửa, các nhân viên cũ thậm chí còn không chắc đã có sản phẩm nào được bán ra hay chưa.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết một số đầu tuýp được chế tạo ở Fort Worth đã xuất hiện trên thị trường, nhưng số lượng của chúng ít đến mức chúng được coi là đồ sưu tầm. 

Sự thất bại của Stanley cho thấy những thách thức mà doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt trong việc đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về quê nhà.

Stanley mua lại thương hiệu Craftsman từ Sears với giá 900 triệu USD vào năm 2017. Trước đó, Craftsman là một trong những thương hiệu chủ lực của Sears, nhưng kể từ sau khi công ty chuyển nhà máy sang Trung Quốc để cắt giảm chi phí, khách hàng bắt đầu phàn nàn về chất lượng sản phẩm. 

CEO James Loree của Stanley tuyên bố rằng thương vụ này sẽ giúp “Mỹ hóa” thương hiệu Craftsman. Stanley bắt đầu sản xuất sản phẩm Craftsman tại các cơ sở ở Mỹ, đóng gói chúng với logo đỏ, trắng và xanh kèm dòng chữ “Sản xuất tại Mỹ với Vật liệu Toàn cầu”.

Nhà máy ở Fort Worth của Stanley, nay đã đóng cửa. (Ảnh: Wall Street Journal). 

Nhà máy Fort Worth được kỳ vọng là sẽ đưa nỗ lực trên tiến xa hơn nữa bằng cách chế tạo những sản phẩm nổi tiếng của Craftsman như cờ lê, chìa vặn bánh cóc và đầu tuýp từ thép của Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu “người Mỹ dùng hàng Mỹ”.

Ban lãnh đạo của Stanley tin tưởng rằng tự động hóa và các công nghệ sản xuất tiên tiến khác sẽ cho phép nhà máy cạnh tranh được về chi phí với những sản phẩm nhập khẩu.

Theo dự kiến ban đầu, nhà máy sẽ đi vào sản xuất sau 18 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, những thách thức của đại dịch và chuỗi cung ứng đã khiến các kế hoạch đó bị xáo trộn, và hệ thống không được kiểm tra đúng cách trước khi được áp dụng trên quy mô lớn.

Nhân viên cũ tại nhà máy nói rằng việc điều chỉnh máy móc đôi khi mất đến hàng tuần vì họ phải chờ linh kiện gửi về Mỹ từ tận Belarus. Một lựa chọn khác của ông và các đồng nghiệp là cho nhà máy hoạt động với nửa công suất, nhưng điều đó sẽ làm làm giảm hiệu quả chi phí của nhà máy.

Bất chấp hàng loạt vấn đề, các công nhân ở Fort Worth vẫn chế tạo được hàng nghìn đầu tuýp. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ không muốn nhập chúng mà không có cờ lê và chìa vặn bánh cóc được sản xuất tại cùng nhà máy.

Các cựu nhân viên cho biết hàng tồn kho chất đống tại nhà máy. Khi các giám đốc cấp cao và thành viên hội đồng quản trị đến thăm, họ phải tìm cách sắp xếp lại các thùng đầu tuýp chưa hoàn thiện sao cho chúng ít lộ liễu hơn.

Các công ty đối thủ sản xuất công cụ cơ khí ở Mỹ cho biết dây chuyền nhà máy của họ được tự động hóa một phần nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của công nhân.

Ông Nick Pinchuk, CEO Snap-on, cho biết vào năm 2010 rằng các nhà máy tại Mỹ của công ty này có tỷ lệ công nhân so với robot vào khoảng 100:1. Hiện nay, tỷ lệ đó đã giảm còn 8:1. Quá trình chuyển đổi dần dần giúp công ty xác định vai trò tối ưu cho con người và máy móc.

Ông nhận xét: “Một số người đánh giá quá cao sự tiện lợi của công nghệ tự động hóa. Những người như vậy không thực sự hiểu cách sản phẩm được chế tạo”.

Giang