|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ chưa thoát cảnh suy thoái, vận mệnh nền kinh tế vẫn trong tay Fed

15:21 | 24/07/2023
Chia sẻ
Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách giữa tuần này. Tuy nhiên, sau đó ông Powell và các đồng nghiệp sẽ phải trả lời một câu hỏi khó nhằn: Fed cần làm gì tiếp theo để hạ gục lạm phát mà không kích hoạt suy thoái kinh tế?

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Fed).

Cái khó khi suy thoái chưa xuất hiện

Sau khi tạm ngừng tay vào tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và các đồng nghiệp dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) trong tuần này.

Mục tiêu của Fed là hạ nhiệt nền kinh tế, đưa lạm phát quay về mức mục tiêu 2% mà không đẩy Mỹ vào suy thoái. Hay nói cách khác, các nhà hoạch định chính sách muốn thực hiện một cuộc hạ cánh mềm.

Câu hỏi lớn nhất mà ngân hàng trung ương Mỹ và thị trường tài chính phải trả lời là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, Bloomberg nhận định.

Cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng đợt tăng lãi suất tới đây có thể là đợt cuối trong chu kỳ thắt chặt hiện tại. Kể từ tháng 3 năm ngoái, chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đã tăng 500 bps. Tuy nhiên, thực tế sẽ phụ thuộc vào việc Fed sẵn sàng để lạm phát duy trì ở mức nào và trong bao lâu.

Trong bối cảnh suy thoái chưa xảy ra, thị trường việc làm có vẻ sẽ vẫn bị thắt chặt, nhu cầu về người lao động tiếp tục vượt xa nguồn cung.

Tình trạng đó sẽ giữ cho tiền lương tăng cao, gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải nâng giá bán để trang trải chi phí lao động đang trong xu hướng đi lên, Bloomberg cảnh báo.

Ông Bruce Kasman, kinh tế trưởng của JPMorgan, nhận định: “Nếu không có suy thoái, sẽ rất khó để kìm nén nhu cầu và loại bỏ áp lực giá đó ra khỏi nền kinh tế. Tôi không nghĩ lạm phát sẽ tụt xuống dướng mức 3% một cách bền vững”.

Do đó, có rủi ro là Fed sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất sau đợt tăng trong tuần này, đặc biệt là nếu Mỹ không rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, vị kinh tế trưởng của JPMorgan cho hay.

Nhà kinh tế Lindsey Piegza của Stifel Financial cho biết: “Thực sự chưa có bằng chứng nào cho thấy Fed đã làm đủ để có thể đứng ngoài [cuộc chiến chống lạm phát này]”. Theo bà Piegza, cuối cùng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải nâng lãi suất từ phạm vi 5 - 5,25% hiện nay lên ngưỡng 6%.

 

Những ngả đường khác nhau

Các nhà kinh tế nổi tiếng từng sớm cảnh báo Fed về lạm phát hiện đang có quan điểm trái chiều về áp lực giá.

Cố vấn kinh tế của Allianz là ông Mohamed El-Erian cho rằng Fed nên để lạm phát duy trì quanh ngưỡng 3%, thay vì đặt nền kinh tế vào tình thế khó khăn để đẩy nó xuống mức mục tiêu 2%.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Lawrence Summers lại nhận thấy việc đặt mục tiêu lạm phát quanh mức 3% là một ý tưởng tồi và có nguy cơ tạo tiền đề để áp lực giá tăng mạnh hơn trong chu kỳ kinh tế tiếp theo.

Tỷ lệ lạm phát gần đây đã giảm đáng kể so với mức đỉnh hồi năm ngoái. Song, đưa lạm phát về con số 2% có thể sẽ khó hơn vì chi phí trong lĩnh vực dịch vụ chưa chịu đi xuống và tiền lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 3,8% so với cùng kỳ vào tháng 5 năm nay. Chỉ số PCEPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 4,6%.

Ông Vincent Reinhart, cựu quan chức Fed và hiện là kinh tế trưởng tại Mellon Investments, nhấn mạnh: “Đi những dặm cuối [trong chu kỳ thắt chặt] thường không dễ dàng”.

“Khi suy thoái kinh tế ngày càng có nguy cơ xảy ra, Fed sẽ phải từ bỏ mục tiêu ổn định giá cả”, vị chuyên gia chia sẻ với Bloomberg.

Chủ tịch Powell khẳng định Fed vẫn kiên trì với mục tiêu lạm phát 2%, dù ông thừa nhận sẽ mất một thời gian để đến đích, có thể phải tới năm 2025.

Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ cũng cho biết rằng thị trường việc làm cần hạ nhiệt hơn nữa để lạm phát về 2%. Song, ông kỳ vọng Fed có thể hoàn thành công việc mà không kéo tỷ lệ thất nghiệp lên cao hay kích hoạt suy thoái.

 

Kinh tế trưởng của JPMorgan cho biết số liệu lạm phát các tháng tới có thể sẽ tiếp tục đi xuống do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang rẻ hơn, chuỗi cung ứng toàn cầu bớt tắc nghẽn và chi phí thuê nhà đã giảm nhiệt.

Tuy nhiên, ông cho rằng các tín hiệu tích cực có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do thị trường lao động vẫn bị thắt chặt và các doanh nghiệp ngày càng sẵn sàng tăng giá.

 

 

Cân nhắc đưa mục tiêu lên 3%

 

Ông El-Erian dự đoán Fed có thể sẽ phải đối mặt với một lựa chọn không dễ dàng trong quý IV: đẩy nhanh nỗ lực chống lạm phát để hoàn thành mục tiêu đề ra, hoặc có nguy cơ phá vỡ hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế, hoặc nhận ra rằng họ không thể đưa lạm phát quay về mức 2% và phải cân nhắc lại.

Theo cố vấn của Allianz, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch cho thấy Fed nên đặt mục tiêu lạm phát ở mức 3%, thay vì 2%. Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cũng kêu gọi nâng mục tiêu lạm phát lên cao hơn.

Song, cựu Bộ trưởng Summers cảnh báo rằng điều chỉnh mục tiêu lạm phát lên cao hơn có thể gây ra rắc rối trong tương lai khi những động lực cơ bản của nền kinh tế kéo giá cả lên cao.

Ông nói: “Mục tiêu mà Fed đặt ra nên là điểm thấp nhất trong chu kỳ kinh tế chứ không phải mức trung bình. Có khả năng là trong quá trình phục hồi của nền kinh tế, lạm phát sẽ lại đi lên”.

 

Yên Khê