Nguồn cơn những cuộc 'nội chiến' ở nhiều doanh nghiệp, ngân hàng
Hơn 10 ngày kể từ “nội chiến" Hoà Bình nổ ra, đến nay, câu hỏi lớn nhất và vẫn chưa có đáp án chính xác là “Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình là ai”. Nếu “cuộc chiến” kết thúc, Xây dựng Hoà Bình liệu có đi theo vết xe đổ của Coteccons hay lặp lại kịch bản từng diễn ra ở Sacombank, Eximbank? Liệu người sáng lập của Hoà Bình có “quay xe” thành công như cách T&T Group từng thực thi ở Tràng Thi?
Nội chiến ở Hoà Bình bắt đầu từ tranh giành quyền lực
Nhóm ông Nguyễn Công Phú cáo buộc ông Lê Viết Hải "tham quyền lực" nên “quay xe” nên đòi lại vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC). Trong khi ông Lê Viết Hải lại nói ông Phú là người không giữ chữ tín. Trong một tâm thư gửi tới cổ đông, ông Hải còn khẳng định có thế lực đang muốn chiếm quyền quản lý tập đoàn.
Ngày đầu tiên của năm mới 2023, 4 thành viên HĐQT Xây dựng Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine phát đi thông báobác bỏ các động thái do ông Lê Viết Hải công bố khi ông đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Phía các thành viên HĐQT độc lập cho rằng hành động của ông Lê Viết Hải trong cuộc họp HĐQT bất thường là không hợp lệ vì không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự để tiến hành tổ chức họp, không đủ số lượng phiếu bầu thông qua Nghị quyết HĐQT theo quy định của Điều lệ Công ty.
Phía ông Hải liên tục phản pháo và cho rằng nghị quyết HĐQT ngày 31/12/2022 là hợp lệ.
Đỉnh điểm chiều ngày 5/1, nhóm ông Nguyễn Công Phú đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về những vấn đề liên quan đến xung đột nội bộ.
Nhóm ông Phú đã có những cáo buộc về những khoản vay, chu cấp tài chính, những khoản tiền chuyển "bất thường" cho công ty con như Tiến Phát, Hòa Bình House do ông Lê Viết Hòa - con trai ông Lê Viết Hải điều hành song không được giải trình và cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan.
Phía tập đoàn và ông Lê Viết Hải đã ra thông cáo cho rằng "hành vi của các thành viên này là hành vi vi phạm pháp luật, khi các thành viên này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin và phát tán tài liệu, mà còn cố tình diễn giải những thông tin, tài liệu sai lệch với bản chất".
Thậm chí tập đoàn và ông Lê Viết Hải công bố gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra trong để đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng và các cá nhân khác.
Cách đây vài ngày, ông Lê Viết Hải với tư cách là cổ đông lớn đang nắm giữ 17,14% cổ phần đã yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường. Chương trình họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến có những nội dung chính gồm: Thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT; Thay đổi một số quy định trong Điều lệ của Công ty; Bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới. Đồng thời đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của tập đoàn mà ông Lê Viết Hải cho rằng đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch.
Song, một ghế thì không thể có hai “vua”. Và nguồn cơn nội chiến ở Xây dựng Hoà Bình, một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất ở Việt Nam bắt đầu từ việc tranh giành quyền lực.
Người đứng đầu phải rời công ty do mình sáng lập ra
Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Bá Dương, nhà sáng lập Coteccons, từng là "anh cả" của ngành xây dựng đã phải dứt áo ra đi ở chính công ty mình gây dựng với “lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình".
Tuy nhiên, lý do sâu xa không chỉ nằm ở hai từ “sức khoẻ” như ông Dương đưa ra. Mâu thuẫn thượng tầng ở Coteccons đã xảy ra nhiều năm trước đó khi nhóm cổ đông ngoại cáo buộc về những xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons và các công ty trong “Coteccons Group”.
Nhóm cổ đông ngoại mà đứng đầu là Kusto thậm chí yêu cầu bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương khỏi vị trí Chủ tịch đồng thời muốn bãi nhiệm loạt cộng sự thân tín của ông như CEO Nguyễn Sỹ Công ra khỏi HĐQT.
Thời điểm đó, nhóm cổ đông ủng hộ Kusto lên tới quá nửa cổ phần có quyền biểu quyết ở Coteccons trong khi bản thân ông Nguyễn Bá Dương cùng người nhà chỉ nắm hơn 5% cổ phần. Dẫn tới nhóm đối lập ông Dương dễ dàng phủ quyết mọi quyết định lớn trong các cuộc họp ĐHĐCĐ.
Chưa kể, ông Dương còn lép vế trong HĐQT khi có tới 4/7 thành viên về phe đối lập với ông, thế cân bằng trong HĐQT đã bị phá vỡ sau sự kiện ông Nguyễn Sỹ Công từ nhiệm đã dẫn tới sự ra đi của ông Dương vào tháng 10/2020.
Song dù rời Coteccons thì ông Dương vẫn còn nhiều bến đỗ trong hệ sinh thái của mình như Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB, SOL E&C. Trong năm 2022, hệ sinh thái của ông Dương đã đem về hơn tỷ USD doanh thu trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn. Riêng Ricons và Newtecons xếp lần lượt thứ 3 và thứ 6 trong Bảng xếp hạng Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm 2022 và được đánh giá là "những chú ngựa ô" của ngành.
Kể từ thời điểm cuối năm 2020, ông Dương rút khỏi Coteccons thì doanh nghiệp này bước vào giai đoạn cải tổ bộ máy song hoạt động kinh doanh liên tục trượt dài khi ghi nhận nhiều quý thua lỗ, doanh thu ký mới giảm sâu thậm chí Newtecons hay Ricons đã thế chân Coteccons ở nhiều dự án lớn.
Tranh chấp hàng thập kỷ các nhóm cổ đông ở Eximbank
Một thập kỷ trước, nhắc về “nội chiến” không thể bỏ qua hai cái tên trong ngành ngân hàng là Sacombank và Eximbank. Tuy nhiên, sau khi đổi chủ, nội bộ Eximbank vẫn “rối như tơ vò” khi liên tiếp đổi Chủ tịch HĐQT.
Từng là một ngôi sao sáng của ngành ngân hàng song Eximbank đã liên tục lao dốc khi bị cuốn vào tranh chấp của các nhóm cổ đông hàng thập kỷ qua.
Nội chiến Eximbank nổ ra kể từ năm 2015 sau khi ông Lê Hùng Dũng quyết định rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Kể từ đó, các nhóm cổ đông Eximbank thường xuyên bất hoà khiến ngân hàng này phải trì hoãn Đại hội đồng cổ đông nhiều lần.
Mâu thuẫn ở Eximbank đến từ các nhóm cổ đông NamABank, Thành Công, Bamboo Capital, nhóm cổ đông Nhật SMBC,... song không nhóm nào có đủ cổ phần để chi phối.
Thậm chí, năm 2019, ông Lê Minh Quốc còn gửi đơn kiện lên Toà án Nhân dân TP HCM về việc HĐQT Eximbank bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông là chưa phù hợp. Sau đó, toà án đã yêu cầu HĐQT Eximbank phải dừng quyết định trên.
Từ năm 2015 đến nay, “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank đã 8 lần thay đổi, từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc qua bà Lương Thị Cẩm Tú đến ông Lê Minh Quốc tiếp đến ông Cao Xuân Ninh qua ông Yasuhiro Saitoh đến ông Nguyễn Quang Thông. Sau đó, ông Yasuhiro Saitoh lại trở lại và hiện nay là bà Lương Thị Cẩm Tú (nhiệm kỳ năm 2020 – 2025) giữ chức.
Không chỉ vị trí Chủ tịch HĐQT liên tục thay đổi mà Eximbank còn trống ghế Tổng Giám đốc giai đoạn 2019 tới tháng tận tháng 9/2021.
Sau khi bà Tú ngồi ghế Chủ tịch đầu năm 2022, Eximbank bắt đầu chuyển mình, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông mở ra hồi kết khi đại diện nhóm SMBC, Thành Công rút khỏi HĐQT đồng thời nhóm Thành Công rút vốn khỏi nhà băng này.
Còn ở Sacombank, “nội chiến” cũng kết thúc bằng màn đổi chủ “ghế nóng”. Song, ngân hàng này cũng chao đảo một thời gian khi ông Trầm Bê vướng vòng lao lý. Thậm chí, tình kinh kinh doanh của ngân hàng sau khi đổi chủ cũng không mấy khả quan và chỉ chuyển mình, khởi sắc dưới thời ông Dương Công Minh.
Một trong những nguyên nhân khiến ông Đặng Văn Thành, người sát cánh cùng Sacombank từ những ngày đầu “dứt áo ra đi” và thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT do nhóm cổ đông liên quan đến ông Trầm Bê và Eximbank nắm trong tay quá nửa số cổ phần có quyền biểu quyết. Sau khi giành chiến thắng, nhóm này đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo ngân hàng.
Song không phải cuộc tranh chấp nào phe thắng cũng là bên nắm quyền chi phối như trường hợp của CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, một đơn vị sở hữu nhiều “đất vàng” ở Hà Nội.
Tại ĐHĐCĐ năm 2019, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) – đơn vị sở hữu 53,33% cổ phần Tràng Thi đã gặp phải sự phản đối của nhóm cổ đông T&T Group (chiếm 20% cổ phần) về kế hoạch kinh doanh, quyết định nhân sự của công ty.
Sau đó không lâu, Haprro đã thoái toàn bộ vốn ở Tràng Thi, tương đương 53,33% vốn điều lệ, thu về hơn 86,4 tỷ đồng. Hiện tại, Chủ tịch HĐQT Tràng Tri là ông Đỗ Vinh Quang, con trai ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), chồng của hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.