Ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HĐQT Xây dựng Hoà Bình, 'nội chiến' đi tới hồi kết?
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình vừa công bố nghị quyết chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2/2023.
Đồng thời, HĐQT cũng chấp nhận việc ông Phú uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT.
Đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Phú sẽ được xem xét thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Ông Phú xin rút khỏi HĐQT Xây dựng Hoà Bình trong bối cảnh tập đoàn xảy ra "nội chiến" tranh giành ghế Chủ tịch giữa nhóm ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải.
Diễn biến mới nhất là ngày 19/1, tập đoàn đã nhận được quyết định thi hành án chủ động của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP HCM với nội dung buộc doanh nghiệp tạm dừng thi hành các Nghị quyết số 50, 51 và 53 cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Đồng nghĩa với việc ông Lê Viết Hải, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Người đại diện pháp luật của tập đoàn.
Tóm tắt lại "cuộc chiến vương quyền" của Xây dựng Hoà Bình, phía nhóm ông Nguyễn Công Phú tố ông Lê Viết Hải quản lý yếu kém đẩy doanh nghiệp vào "tình trạng khó khăn chưa từng có".
Trong khi đó, ông Hải lại cho rằng: "Những cá nhân nói trên mà chủ yếu là những người không phải cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của tôi mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty và không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực tài lực nhằm thâu tóm công ty".
Với 8 thành viên trong HĐQT thì có 4 người ở phe đối lập ông Hải gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine. Trong đó, ông Phú cùng ông Hùng mới gia nhập vào HĐQT của tập đoàn từ tháng 6/2021. Ông Albert Antoine gia nhập HĐQT từ tháng 4/2022, còn ông Lê Quốc Duy gắn bó với doanh nghiệp từ năm 2007.
Đỉnh điểm, ngày 5/1, nhóm ông Nguyễn Công Phú đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các thông tin kinh doanh nội bộ của tập đoàn cùng những mâu thuẫn xoay quanh chiếc ghế "nóng" của doanh nghiệp tại một quán cà phê.
Ông Dương Văn Hùng, thành viên HĐQT đã có những cáo buộc về những khoản vay, chu cấp tài chính, những khoản tiền chuyển "bất thường" cho công ty con như Tiến Phát, Hòa Bình House do ông Lê Viết Hòa - con trai ông Lê Viết Hải điều hành song không được giải trình và cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan.
Phía tập đoàn và ông Lê Viết Hải đã ra thông cáo phản pháo rằng "hành vi của các thành viên này là hành vi vi phạm pháp luật, khi các thành viên này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin và phát tán tài liệu, mà còn cố tình diễn giải những thông tin, tài liệu sai lệch với bản chất".
Thậm chí tập đoàn và ông Lê Viết Hải công bố gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra trong ngày hôm nay để đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng và các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho hai cá nhân này.
Về ông Nguyễn Công Phú, ông sinh năm 1951, nguyên quán Quảng Trị nhưng ông sinh tại Quảng Nam. Sau năm 1954, ông Phú sinh sống tại Huế và tốt nghiệp Kỹ sư Tạo tác – Thủy lợi, Khoá đầu tiên tại Đại học Khoa học, Huế.
Giai đoạn 1975 - 1979, ông Phú là Kỹ sư Bộ Giao thông và Thiết bị (Pháp), sau đó là Kỹ sư cho Alstom Group, một công ty đa quốc gia của Pháp chuyên về lĩnh vực giao thông và vận tải từ năm 1982.
Từ năm 1982 đến 1985, ông Phú là chuyên gia phụ trách các dự án lớn về công nghiệp xây dựng và hạ tầng cơ sở tại Bureau Veritas, Pháp.
Năm 1993, ông Nguyễn Công Phú trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để tiếp tục lấy Tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm Đại học Khoa học Paris, Trường Cầu đường Paris.
Sau khi đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành, phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương - Cete Apave Lyonnaise giai đoạn 1995 - 1997, ông Phú có hơn 25 năm làm việc tại các vị trí Tổng Giám đốc Apave Asia – Pacific, Chủ tịch Apave tại các quốc gia Singapore, Myanmar, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia.
Nói thêm, Apave là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thẩm định, giám sát chất lượng các công trình xây dựng, công nghiệp.
Với vai trò là người đứng đầu Tập đoàn Apave, ông Phú đã tham gia nhiều công trình như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Hầm Đèo Cả, đóng góp ý kiến cùng với các Bộ ngành Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải,… để hoàn chỉnh các thể chế quản trị, quản lý về chất lượng và an toàn các công trình tại Việt Nam.
Tháng 6/2021, ông Phú gia nhập HĐQT của Xây dựng Hòa Bình với vai trò thành viên độc lập.