Ông Dương Văn Hùng: Ban HĐQT độc lập nhận thấy một số giao dịch bất thường tại Xây Dựng Hòa Bình
Chiều ngày 5/1, các Thành viên HĐQT độc lập của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Dương Văn Hùng và ông Lê Quốc Duy đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về những vấn đề liên quan đến xung đột nội bộ gần đây tại tập đoàn này.
Theo ông Dương Văn Hùng, ông cùng ông Nguyễn Công Phú và ông Nguyễn Tường Bảo (Thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình) được ông Hải mời về làm thành viên HĐQT. Với sự tham gia của các nhân sự mới, Hòa Bình dần dần định hình được chiến lược kiềng ba chân: Xây dựng nhà ở dân dụng chuyển hướng sang nhà ở thương mại, xây dựng hạ tầng công nghiệp và cơ sở hạ tầng đường giao thông cầu cảng, nhà xưởng công nghiệp.
Thời điểm này, ông Hùng giữ vai trò là người cố vấn chiến lược cho Hòa Bình. Liên quan đến những xung đột gần đây, ông Hùng nói: "Những năm qua, các thành viên HĐQT Hòa Bình cùng làm việc, luôn tin tưởng ông Hải và thông qua những chính sách, những khoản vay, chu cấp tài chính, những khoản tiền chuyển cho công ty con như Tiến Phát, Hòa Bình House để làm dự án.
Đến tháng 10/2022, khi Hòa Bình cấp khoản vay cho Tiến Phát - công ty con của Hòa Bình (công ty con này do ông Lê Viết Hòa - con trai ông Hải làm Chủ tịch HĐQT), các thành viên HĐQT Hòa Bình mới yêu cầu làm giải trình khoản vay này dùng cho việc gì và các tài liệu chứng cứ liên quan.
Sau 4 cuộc họp liên tiếp thì không hề cung cấp được tài liệu chứng minh khoản vay dùng cho việc gì, hợp đồng ra sao. Chúng tôi thấy rất bất thường và bắt đầu soát xét lại một loạt các khoản vay trước đó. Khoản vay 565 tỷ đồng cho hai dự án chúng tôi cũng không thấy báo cáo ngược lại là dòng tiền ấy đi đâu, sử dụng như thế nào rồi, hiệu quả ra sao cũng mất tăm. Điều này rất lo ngại.
Chúng tôi nhìn ngược lại những năm trước nữa thì thấy có một bóng đen trong đó và ban thành viên độc lập chúng tôi quyết định thành lập ‘Tổ công tác đặc biệt độc lập (ITF)’ nhưng anh Hải không cho phép dùng từ 'đặc biệt' trên báo chí mà chỉ dùng ‘tổ công tác độc lập’”.
Cũng theo chia sẻ của ông Hùng, ITF có sứ mệnh rà soát lại toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh, dòng tiền tài chính của công ty mẹ trong những năm gần đây và dưới các công ty con chủ chốt; dòng tiền qua lại giữa công ty mẹ với các công ty con và công ty liên kết (bao gồm hiệu quả kinh doanh của mỗi công ty) để bắt đầu đưa ra định hình tái cấu trúc một cách chính thức tập đoàn công ty mẹ và công ty con.
Tổ công tác đã tiến hành làm việc với các công ty con chủ chốt và đơn vị kiểm toán Ernst & Young (EY). Song, ông Hùng cho biết tổ công tác "gặp phải sự chống trả quyết liệt của ông Lê Viết Hòa". Ngoài ra, còn nhiều khó khăn, bất lợi khác cho tổ công tác trong quá trình làm việc với công ty con và cơ quan điều tra sẽ làm rõ các vấn đề này.
“Đỉnh điểm câu chuyện từ những ngày cuối tháng 10, khi chúng tôi không đồng ý cấp khoản vay 162 tỷ đồng xuống công ty con Tiến Phát và công ty cháu do con trai anh Hải làm Chủ tịch, Tổng Giám đốc là người khác”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, ban thành viên HĐQT sẽ có cuộc họp vào ngày 10/1 tới để bàn bạc, làm rõ lại các vấn đề tồn tại. “Sau ngày 10/1, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định và xem xét mời cơ quan chức năng vào làm việc”, ông Hùng nói.
Ngày 4/1, thị trường xuất hiện thông tin CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mời cơ quan báo chí, truyền thông tham dự họp báo về tranh chấp pháp lý xảy ra tại doanh nghiệp. Địa điểm tổ chức tại Sảnh Tulip, Khách sạn REX (141 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), vào lúc 16 giờ ngày 5/1.
Ngay trong sáng ngày 5/1, website của Hòa Bình đăng tải thông tin:“Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xin khẳng định Hòa Bình không phải là đơn vị tổ chức cuộc họp báo như thông tin lan truyền.
Một lần nữa, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định kể từ ngày 1/1/2023, mọi thông tin, nội dung, văn bản không được ban hành chính thức từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không chịu trách nhiệm về những thông tin, nội dung mà các cá nhân, tổ chức nhân danh Hòa Bình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật."
Tranh chấp tại Hòa Bình bắt đầu xuất hiện kể từ khi HĐQT Hòa Bình công bố nghị quyết thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải khỏi tư cách thành viên Hội đồng Quản trị được ký ngày 12/12/2022; hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình theo Nghị quyết số ngày 14/12/2022; hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo nghị quyết ngày 14/12/2022.
Bởi trước đó, Hòa Bình đã công bố thông tin về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải và ông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập từ ngày 1/1/2023. Đồng thời, ông Nguyễn Công Phú, Thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023.
Các bên sau đó đã liên tục công bố thông tin đính chính. Phía các thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine bác bỏ các động thái do ông Lê Viết Hải công bố, đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Còn phía Hòa Bình phát đi thông cáo được ký bởi ông Lê Viết Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT nói rằng: "Mọi thông tin, nội dung không được ban hành chính thức từ Xây dựng Hòa Bình và đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị".