|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kẻ đầu hàng, người quyết chiến: Số phận của binh sĩ Ukraine tại Mariupol sẽ ra sao?

16:48 | 20/05/2022
Chia sẻ
Mặc dù hơn 1.700 binh sĩ Ukraine tại nhà máy Azovstal đã đầu hàng, vẫn còn khoảng vài trăm người cố thủ. Số phận của những binh sĩ đầu hàng và những người ở lại chiến đấu đều đang không chắc chắn.

Những người trụ lại cuối cùng

Theo Reuters, cuộc bao vây của Nga tại thành phố Mariupol đang dần đi đến hồi kết. Hiện không rõ có bao nhiêu binh sĩ đang còn lại trong nhà máy. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong 24 giờ qua, có 771 binh sĩ thuộc trung đoàn Azov đã đầu hàng, nâng con số tổng cộng từ ngày 16/5 lên 1.730 người.

Các quan chức Ukraine từ chối bình luận, do lo sợ có thể làm ảnh hưởng tới các nỗ lực giải cứu. Thiếu tá Sviatoslav Palamar, phó chỉ huy của Trung đoàn Azov đã gửi một đoạn video dài 18 giây vào hôm 19/5 nói rằng mình và các đồng đội vẫn đang ở trong nhà máy.

“Một chiến dịch đang diễn ra. Tôi không thể cho các bạn biết chi tiết. Cảm ơn cả thế giới và cảm ơn Ukraine vì sự ủng hộ”, vị phó chỉ huy cho biết.

Đoàn binh sĩ Ukraine thuộc Trung đoàn Azov ra đầu hàng. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Theo Le Monde, khoảng vài trăm người lính đã được chọn lựa, với vũ khí trong tay để giữ lại mảnh đất cuối cùng của nhà máy. Người đứng đầu của lực lượng cảnh sát tuần tra vùng Donetsk, ông Mikhail Verchinin xác nhận với tờ Le Monde hôm 18/5 rằng ông từ chối việc sơ tán khỏi Azovstal.

Tham mưu trưởng Trung đoàn Azov, ông Bohdan Krotevych viết trên Twitter cùng bức ảnh bản thân và đống đổ nát tại nhà máy với dòng chữ: “18.05.2022 Azovstal. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục”.

Một nguồn tin nói với Le Monde rằng những binh sĩ còn lại trong nhà máy Azovstal “đang đợi xem người Nga sơ tán và đối xử với đồng đội mình như thế nào. Liệu phía Nga có tôn trọng các điều khoản đã thương lượng hay không”.

“Các cuộc thương lượng rất nhạy cảm đang từng bước được tiến hành để sơ tán những người lính Ukraine”, nguồn tin cho biết.

Ông Denis Pushilin, người đứng đầu nước Cộng hòa nhân dân Donetsk cho biết hơn một nửa số binh sĩ Ukraine đã đầu hàng, và những người bị thương đã được đưa tới khu vực do Nga kiểm soát thuộc Donetsk.

“Hãy để họ đầu hàng, để họ sống và để họ đối mặt với tội ác mà mình gây ra”, ông Pushilin tuyên bố.

Tù binh chiến tranh

Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố những người bảo vệ thành phố Mariupol cuối cùng là anh hùng, và mong muốn có thể trao đổi với tù binh với Nga.

Tuy nhiên, Moscow cho rằng Trung đoàn Azov là một trong những thủ phạm chính của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tân Phát xít. Phía Azov phủ nhận những lời buộc tội của Nga, còn Ukraine cho biết trung đoàn này đã được tái cơ cấu.

Điện Kremlin tuyên bố binh sĩ Ukraine sẽ được đối xử theo quy định quốc tế thông thường. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Nga yêu cầu những người này phải bị đưa ra xét xử hoặc thậm chí là đối mặt với án tử hình.

Đoàn xe buýt chở hàng binh Ukraine được Nga hộ tống vào ngày 17/5. (Ảnh: Alexander Ermochenko/Reuters).

Theo AP, Điều 4 của Hiệp định Geneva thứ ba định nghĩa tù binh chiến tranh là thành viên của bất cứ lực lượng vũ trang nào, bao gồm cả các phong trào đấu tranh có tổ chức, “bị rơi vào tay kẻ thù” trong một cuộc xung đột.

Điều 4 cũng bao gồm những người hỗ trợ không tham chiến, phóng viên và cả “cư dân của một vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng, khi kẻ thù tới, tự động cầm vũ khí lên và chống lại lực lượng xâm lược”.

Hiệp định Geneva đưa ra những quy định nhằm đảm bảo tù binh chiến tranh được đối xử một cách nhân đạo. Những quy định này bao gồm nơi giam giữ tù binh, sự hỗ trợ được nhận, bao gồm hỗ trợ y tế và các vấn đề pháp lý mà họ phải đối mặt.

Ông Marco Sassoli, giáo sư pháp luật quốc tế tại Đại học Geneva cho biết: “Liên Bang Nga có một danh sách các nghĩa vụ: Đối xử với tù binh nhân đạo, cho phép Ủy ban chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) được tiếp cận và biết tên những người này”.

“Ngoài ra, Nga còn phải cho phép tù binh được viết thư cho gia đình, chăm sóc trong trường hợp tù binh bị bệnh hoặc bị thương, và cho ăn đầy đủ”, ông nói thêm.

“Tuy nhiên, Moscow có thể tước đoạt quyền tự do của tù binh cho tới khi kết thúc xung đột và có thể nhốt họ trên lãnh thổ Ukraine. Những người này có thể bị đưa tới Nga”, ông Sassoli cho biết.

Nga đang chăm sóc y tế cơ bản cho tù nhân Ukraine. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Xét xử tù binh

Ông Sassoli giải thích rằng chỉ trong điều kiện đặc biệt, ví dụ như một binh sĩ bị tố cáo phạm một hoặc nhiều tội ác chiến tranh, những người này mới phải ra tòa án. “Những người lính này chắc chắn sẽ không bị trừng phạt chỉ vì tham chiến, bởi đây là quyền của binh sĩ và tù binh chiến tranh”, ông nói.

Hiệp định Geneva không quy định luật lệ cho việc trao đổi tù binh. Trong quá khứ, Hội Chữ thập Đỏ đã trở thành bên trung gian cho các cuộc trao đổi tù binh. Tuy nhiên, một số quan chức Nga khẳng định rằng các binh sĩ Ukraine sẽ phải bị xét xử và không được tham dự vào các cuộc trao đổi.

Một vài quốc gia đã có gắng né tránh những nghĩa vụ của Hiệp định Geneva, hoặc biện hộ rằng mình không bị ràng buộc bởi những luật lệ này.

Một trường hợp nổi tiếng là việc Mỹ bắt giữ hàng trăm chiến binh nghi ngờ có liên quan tới các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda và giam giữ dưới danh nghĩa “binh sĩ của kẻ thù” tại căn cứ Hải quân thuộc Vịnh Guantanamo, Cuba.

Ông Sassoli cho biết “có đủ loại lý do” để một cá nhân mất đi tư cách tù binh chiến tranh, ví dụ như việc binh sĩ “không phân biệt bản thân mình với dân thường” trong lúc giao tranh.

“Tuy nhiên theo tôi được biết, chưa có ai tuyên bố rằng những người thuộc Trung đoàn Azov không mặc đồng phục hoặc không thuộc lực lượng vũ trang Ukraine”, ông nói. “Phía Ukraine mới là bên quyết định ai là người thuộc quân đội”.

Cả Ukraine lẫn Nga đều chấp nhận một phần phụ lục quan trọng nhằm mở rộng định nghĩa của binh sĩ trong Hiệp định Geneva. Binh sĩ có thể được coi là một phần của lực lượng quân sự quốc gia, một phần dựa trên việc họ có tuân theo các lệnh quân sự hay không.

Ông Sassoli khẳng định rằng “không có nghi ngờ gì” về việc Trung đoàn Azov thuộc lực lượng vũ trang Ukraine.

Tuy nhiên, Nga không tuyên bố rõ ràng rằng ai là người đang giam giữ những người lính này. Nếu Cộng hòa nhân dân Donetsk hoặc Luhansk đang giam giữ tù binh, định nghĩa trên có thể không được áp dụng do hai nước này chưa ký hiệp định Geneva.

Vai trò của Ủy ban Chữ thập Đỏ

Đoàn xe của Ủy ban Chữ thập Đỏ tới kiểm tra hoạt động sơ tán tại nhà máy Azovstal hôm 19/5. (Ảnh: AP).

Theo RT, ICRC tuyên bố “đã xác nhận hàng trăm tù binh chiến tranh” tại nhà máy Azovstal. Tổ chức này soạn một danh sách thông tin của những tù binh đang bị giam giữ nhằm “giúp họ liên lạc với gia đình”.

ICRC nhấn mạnh tư cách người quan sát trung lập và duy trì “đối thoại bí mật với các bên về nghĩa vụ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế”.

Trong một bài đăng trên Twitter, Ủy ban Chữ thập Đỏ giải thích rằng họ bị bó buộc bởi một số hạn chế nhất định, ví dụ như không thể làm chứng trước tòa về các chuyến thăm tù binh hoặc truy tố các bên bị giam giữ.

Một vài quan chức Ukraine trước đây đã tố cáo tổ chức này làm những hành vi sai trái, bao gồm cưỡng bức di dời người dân Ukraine. Các quan chức này buộc tội ICRC hợp tác với Moscow cưỡng ép đưa người dân từ miền đông Ukraine sang Nga.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk từng tố cáo ICRC “làm việc với kẻ thù”. Tổ chức này phủ nhận lời buộc tội, cho biết ICRC chưa từng tham gia vào bất cứ cuộc di tản cưỡng ép nào, kể cả ở Ukraine hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Minh Quang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.