Ngày Quốc tế Lao động (International Workers' Day) là gì? Ý nghĩa và lịch sử hình thành
Ngày Quốc tế Lao động
Khái niệm
Ngày Quốc tế Lao động trong tiếng Anh là International Workers' Day, hay còn gọi là Labor Day hoặc May Day.
Ngày Quốc tế Lao động rơi vào ngày 1/5 hàng năm và là một ngày lễ chung tại hơn 80 quốc gia. Ngày này để tôn vinh những đóng góp của người lao động, thúc đẩy quyền của họ và kỉ niệm phong trào lao động.
1/5 cũng là một ngày lễ đánh dấu sự xuất hiện của mùa xuân ở Bắc bán cầu, nó đã gắn liền với các hoạt động công đoàn vào cuối thế kỉ 19. Các cuộc biểu tình và đình công phản đối đã diễn ra trên khắp thế giới vào ngày này, đôi khi dẫn đến việc đụng độ với lực lượng cảnh sát.
Lịch sử và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động
Vào tháng 7/1889, Quốc tế thứ hai (Second International), một tổ chức toàn cầu của các đảng xã hội và công đoàn, đã lấy ngày 1/5 là Ngày Quốc tế Lao động và các cuộc biểu tình theo kế hoạch đã diễn ra, yêu cầu làm việc đúng 8 giờ một ngày.
Ngày 1/5 đã được chọn vì một đại biểu Mỹ cho biết Liên đoàn Lao động Mỹ đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình vào ngày này năm sau.
Ban đầu, ngày Quốc tế Lao động không được lên ý định là một sự kiện thường niên, nhưng do thành công để lại dấu ấn đáng kể vào năm 1890, Quốc tế thứ hai đã khiến nó trở thành một ngày kỉ niệm thường niên. Mặc dù mục đích của ngày kỉ niệm này bắt đầu với nhu cầu giảm số giờ lao động chân tay cần thiết của người lao động, thì nó vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả sau khi mục tiêu đó đã đạt được ở nhiều quốc gia công nghiệp lớn.
Nhà lí luận Mác-xít Rosa Luxemburg đã viết vào năm 1894: "Chừng nào cuộc đấu tranh của công nhân chống lại giai cấp tư sản và giai cấp thống trị vẫn tiếp tục, bất kể lúc nào mọi nhu cầu không được đáp ứng, thì Ngày Quốc tế Lao động hàng năm sẽ là biểu trưng cho những nhu cầu này.
Và, bình minh của một ngày tươi sáng hơn, khi giai cấp công nhân trên toàn thế giới đã giành được lời tuyên bố khẳng định, thì nhân loại có lẽ sẽ kỉ niệm ngày 1/5 để vinh danh những cuộc đấu tranh cay đắng và nhiều đau khổ trong quá khứ".
(Theo Investopedia)