Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất kỷ lục 75 điểm cơ bản
Theo Reuters, với việc lạm phát đang ở mức cao nhất trong nửa thế kỷ và đang chuẩn bị chạm ngưỡng hai con số, các nhà hoạch định chính sách lo ngại đà tăng này có thể làm hao mòn các khoản tiết kiệm của hộ gia đình vào tạo ra vòng xoáy giá cả-tiền lương.
Sau đợt tăng lãi suất vào tháng 7, ECB đã nâng lãi suất huy động từ 0 lên 0,75% và nâng lãi suất tái cấp vốn chính lên 1,25%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Những động thái tiếp theo được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng 10 và tháng 12.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu: "Chúng ta còn một hành trình ở phía trước”. Bà cho biết các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản đề đẩy áp lực vào giai đoạn đầu trong quá trình hướng tới “mục tiêu lạm phát trung hạn 2%”.
Các nhà hoạch định chính sách trong nhiều tuần đã đắn đo giữa mức tăng 50 và 75 điểm cơ bản, nhưng lạm phát tăng vọt đã cho thấy việc tăng giá đã lan sâu vào nền kinh tế, khiến việc giải quyết tận gốc trở nên phức tạp hơn.
ECB đã tăng dự báo lạm phát một lần nữa, nâng kỳ vọng năm 2023 lên 5,5% từ 3,5% và đặt tỷ lệ tăng giá cả năm 2024 ở mức 2,3%, cao hơn mục tiêu ban đầu là 2%.
Với tuyên bố rõ ràng của ECB cho biết sẽ cần nhiều đợt tăng lãi suất, thị trường tiếp tục kỳ vọng thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 10.
Khi được hỏi về hướng tương lai và tốc độ thay đổi tỷ lệ, bà Lagarde cho biết mức tăng 75 điểm cơ bản là trường hợp đặc biệt.
Nghiêm túc trong cuộc chiến lạm phát
Nhiều người lo sợ rằng bất kỳ động thái nào ngoài việc tăng lãi suất mạnh sẽ báo hiệu rằng ECB không nghiêm túc với nhiệm vụ chống lạm phát.
Hành động rụt rè cũng có nguy cơ làm suy yếu đồng euro (EUR) và thúc đẩy giá cả tăng hơn nữa bằng cách khiến cho việc nhập khẩu năng lượng trở nên đắt đỏ hơn.
Đồng EUR đã dao động quanh mức ngang giá so với đồng đô la Mỹ (USD) trong nhiều tuần, không xa so với mức thấp nhất trong hai thập kỷ vào đầu tháng này.
Với giá năng lượng cao làm giảm sức mua, suy thoái ở châu Âu về cơ bản là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hầu như không có khả năng chống lại sự suy thoái do cú sốc nguồn cung, càng khẳng định việc ECB nên tăng lãi suất cả khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Đáp lại những cáo buộc rằng ECB đang chậm chân so với những ngân hàng trung ước khác, bà Lagarde cho biết ngân hàng đã bình thường hóa chính sách tiền tệ từ tháng 12/2021 sau khi kết thúc chương trình mua tài sản.
Khi được hỏi về triển vọng suy thoái, bà Lagarde cho biết triển vọng cơ bản của khối là tăng trưởng GDP 3,1% cho năm 2022, 0,9% cho năm 2023 và 1,9% cho năm 2024. Hay nói cách khác, EU thoát khỏi suy thoái.
Nhưng trong kịch bản xấu, bao gồm việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng, châu Âu phải hạn chế sử dụng khí đốt, thì GDP năm 2022 sẽ tăng trưởng 2,9%, năm 2023 suy giảm 0,9% và 2024 sẽ tăng trưởng 1,9%.
Kiềm chế lạm phát và rủi ro suy thoái
Theo CNBC, ông Willem Sels, Giám đốc đầu tư toàn cầu của HSBC cho biết: “ECB và các ngân hàng trung ương khác đã bị giằng xé giữa nhu cầu kiềm chế lạm phát rủi ro suy thoái”.
“Giá khí đốt đang tăng mạnh. ECB lo ngại rằng giá cả đắt đỏ dẫn đến nhu cầu tiền lương tăng lên, có thể khiến áp lực lạm phát trở nên lớn hơn”, ông nói.
“Chính sách tiền tệ có độ trễ. Các thống đốc ECB có thể đã đánh giá rằng tốt hơn hết là tăng lãi suất sớm và kết thúc quá trình thắt chặt vào cuối năm”, ông nói thêm.
Ông Sels cho rằng thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu đã phản ứng với "một số lo ngại": “Việc tăng lãi suất sẽ tạo thêm chi phí đi vay cho quốc gia ngoại vi và thắt chặt các điều kiện tài chính, khiến suy thoái sâu hơn”.
Ông Sels cho biết thêm, bất kỳ sự tăng giá nhất thời của đồng EUR cũng sẽ không bền vững khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Anh (BOE) cũng tăng lãi suất. Cùng với đó là những thách thức đến từ chi phí nợ tăng cao, nguy cơ suy thoái, cuộc bầu cử tại Italy và rủi ro địa chính trị.
Chỉ số Stoxx Europe 600 châu Âu đã giảm 0,42% sau thông báo này. Trước đó vào phiên sáng, chỉ số này đã có sắc xanh.