|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ mở cửa sau dịch Covid-19 như thế nào

07:18 | 11/04/2020
Chia sẻ
Trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội, nhiều quốc gia châu Âu đã tính toán đến thời điểm mở cửa trở lại các doanh nghiệp, văn phòng, trường học.

Theo CNN, bài toán với các quốc gia châu Âu là sớm mở cửa nền kinh tế nhưng phải đảm bảo hạn chế nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Ngày 7/4, Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố sẽ từng bước mở lại các cửa hàng sau lễ Phục sinh (12/4).

Nhiều khả năng các nước sẽ duy trì các biện pháp giãn cách xã hội trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch mở cửa chi tiết sẽ giúp các nền kinh tế hồi phục nhanh chóng sau khi dần gỡ bỏ cách ly. 

Chỉ một bước đi sai lầm cũng có thể khiến dịch tái bùng phát và vòng lẩn quẩn cách ly - suy giảm kinh tế tiếp diễn.

Tại Đức, hơn 100.000 người dương tính với Covid-19 và khoảng 1.600 bệnh nhân đã thiệt mạng. Một nhóm 12 chuyên gia kinh tế, luật sư và bác sĩ viết báo cáo khuyến nghị chính phủ khôi phục nền kinh tế lớn nhất châu Âu từng bước.

Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo công bố, chính phủ Đức sẽ cho phép một số ngành công nghiệp cụ thể nối lại hoạt động, trong khi vẫn quyết liệt áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ mở cửa sau dịch Covid-19 như thế nào - Ảnh 1.

Các chuyên gia Đức đề nghị chính phủ khôi phục nền kinh tế từng bước. Ảnh: DPA.

Cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút

Các chuyên gia cho rằng khó có thể tìm ra vaccine điều trị hiệu quả Covid-19 trước năm 2021. Do đó, chính phủ Đức cần xác định cuộc chiến chống dịch bệnh và hồi phục kinh tế "giống như một cuộc đua marathon đường dài hơn là chạy nước rút".

"Các biện pháp trong tương lai cũng cần được chuẩn bị và thực hiện theo cách như vậy để đảm bảo sức khỏe của người dân và có hiệu quả lâu dài. Cần lên kế hoạch cho quá trình chuyển đổi ngay lập tức trong chính phủ, các công ty và tổ chức", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

Đức ra lệnh đóng cửa các trường học, nhà hàng, sân chơi, cơ sở thể thao và hầu hết cửa hàng cho đến ngày 20/4 là sớm nhất. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đứng trước bờ vực suy thoái nghiêm trọng. Ifo ước tính GDP Đức sụt giảm tới 20% nếu lệnh cách ly kéo dài đến 3 tháng.

Chính phủ Đức đang triển khai gói giải cứu kinh tế có quy mô tới 825 tỷ USD, bao gồm các biện pháp như cho doanh nghiệp vay vốn, mua cổ phần ở các công ty, hỗ trợ lương cho lao động bị giãn việc.

Báo cáo của Ifo cho rằng chính phủ cần xây dựng một đội ngũ các chuyên gia và đại diện người dân để đưa ra khuyến nghị về thời điểm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và kích hoạt lại các ngành công nghiệp.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ mở cửa sau dịch Covid-19 như thế nào - Ảnh 2.

Trung tâm thủ đô Berlin vắng vẻ vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Nhóm chuyên gia cho rằng các ngành công nghiệp như viễn thông và sản xuất ô tô đóng góp nhiều giá trị nhất cho nền kinh tế cần được ưu tiên. Các ngành nghề khác có thể duy trì làm việc từ xa. Trường học cần được mở cửa nhanh chóng vì dường như dịch Covid-19 không tác động nhiều đến trẻ em và các bậc phụ huynh không thể làm việc nếu trường tiếp tục đóng cửa.

Các công ty sản xuất thiết bị y tế cần nối lại hoạt động nhanh chóng, trong khi nhà hàng, khách sạn chỉ được phép mở cửa trở lại "theo cách rất cẩn trọng và có sự kiểm soát chặt chẽ" để ngăn dịch tái bùng phát. Chính phủ nên tiếp tục đóng cửa quán bar và câu lạc bộ giải trí và cấm các sự kiện đông người.

Các chuyên gia cho rằng có thể áp dụng từng tiêu chuẩn riêng cho mỗi khu vực khác nhau. Ví dụ khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp như nông thôn có thể được nới lỏng các biện pháp hạn chế sớm hơn.

Cần sự cân bằng giữa cách ly và kinh tế

Sau một thời gian, những vùng có cộng đồng dân cư phát triển khả năng miễn dịch sẽ được phép kinh doanh, sản xuất tự do hơn. Điều này đòi hỏi việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 trên quy mô lớn.

Các chiến dịch đào tạo về vệ sinh và sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân là rất cần thiết. Nhóm chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Đức đẩy mạnh sản xuất đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, vaccine và lập một nền tảng công nghệ thông tin để phục vụ việc lên kế hoạch chiến lược.

Các nước đang tính toán mở cửa lại nền kinh tế và ngăn chặn "làn sóng virus thứ hai" có thể tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc. Sau hơn 2 tháng đóng cửa, Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch giải cứu nền kinh tế.

Bắc Kinh triển khai các chính sách và chiến dịch thúc đẩy doanh nghiệp và người dân quay lại làm việc, cố giải cứu nhiều công ty. Nước này cũng đang chi hàng tỷ USD đầu tư vào ngành y tế và bơm tiền cho các dự án đầu tư công để kích cầu và tạo công ăn việc làm.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả thực sự của Trung Quốc. Phương Tây nghi ngờ độ chính xác của những dữ liệu Bắc Kinh đã công bố, việc hàng nghìn người đổ tới các khu vui chơi cuối tuần qua gây quan ngại.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ mở cửa sau dịch Covid-19 như thế nào - Ảnh 3.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cảnh báo cách ly quá dài sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của hệ thống chăm sóc y tế. Ảnh: Reuters.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc "giả vờ" hoạt động trở lại, nhưng trên thực tế không hề sản xuất. Một số công ty Trung Quốc cũng mở cửa quá sớm và phải trả giá. Ví dụ, một hãng titanium mở cửa các nhà máy hồi tháng 2 rồi lại phải đóng cửa vì công nhân nhiễm bệnh.

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu. Nhưng việc cách ly xã hội và kinh tế quá lâu sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực khó lường.

Ngày 7/4, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair kể ông "kinh hoàng" trước thiệt hại kinh tế của nước Anh do cách ly. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, con số thiệt hại lên đến 2,9 tỷ USD/ngày. "Cách ly xã hội kéo dài cũng ảnh hưởng đến khả năng vận hành của hệ thống chăm sóc sức khỏe”, ông Blair lo ngại.

Do đó, bác sĩ Fauci cho rằng cần đạt được sự cân đối cần thiết giữa cách ly chống dịch và khôi phục kinh tế. "Người dân cần các chuỗi cung ứng để tồn tại. Họ có thể chết đói. Họ cũng bị bệnh. Nếu triệt tiêu các chuỗi cung ứng, xã hội sẽ rối loạn đến mức thảm họa", ông nhấn mạnh.


An Chi

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.