Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 6/4: Số ca tử vong tại nhiều nước Châu Âu bắt đầu giảm, số ca nhiễm mới tại Việt Nam tăng chậm lại
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 7/4
Tính đến 7h sáng nay (6/4), toàn thế giới đã ghi nhận 1.272.848 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 69.423 người đã tử vong và 261.485 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 208 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Buổi sáng thứ hai liên tiếp không có thêm ca nhiễm mới
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, trong vòng 24h qua, Việt Nam ghi nhận duy nhất một trường hợp mắc mới vào chiều tối qua, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 lên 241, trong đó 91 người đã khỏi bệnh. Đây là buổi sáng thứ 2 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.
Trong tổng số 241 ca nhiễm, có 150 ca từ nước ngoài nhâp cảnh (chiếm 62,2%) và 91 ca lây nhiễm thứ phát. Đến nay, số ca âm tính lần 1 là 29 ca; số ca âm tính lần 2 là 23 ca, theo Bộ Y tế.
Ngoài ra, tính đến hết ngày (5/4), có 19.917 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ, 3.154 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 67.273 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (trong đó có 23.992 người cách li tại nhà, nơi cư trú).
Đến nay đã có 30 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc; TP HCM; Khánh Hòa; Thanh Hóa; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Ninh; Lào Cai; Đà Nẵng; Huế; Quảng Nam; Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam trong giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định. Việt Nam vẫn có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.
Trên thế giới: Châu Âu xuất hiện tia hi vọng mới
Tính đến 7h sáng nay (6/4), Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện đang là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.669 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.329 ca tử vong. Các ca mới ghi nhận trong ngày tại quốc gia này chủ yếu vẫn là các ca nhập cảnh.
Bên ngoài Trung Quốc, Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 336.131 ca nhiễm và 9.602 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 24.774 và 1.151 ca so với một ngày trước đó.
Chỉ tính riêng tiểu bang New York – tâm dịch của nước Mỹ, số ca tử vong đã tăng vọt lên hơn 4.100 trong vòng 24h qua.
Tổng y sỹ Mỹ Jerome Adams ngày 5/4 cho biết, tuần tới sẽ là một tuần khó khăn, các bang trên toàn nước Mỹ sẽ chứng kiến số người chết do COVID-19 tăng cao, thậm chí tương đương với số người tử vong trong những sự kiện lớn như Trân Châu cảng và vụ tấn công khủng bố 11/9.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donal Trump cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể đóng cửa mãi mãi và ông cũng đã nhiều lần thảo luận về việc có thể cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Trong khi đó, tại một số nước Châu Âu đang bị tàn phá nặng nề nhất bởi dịch bệnh đã xuất hiện những dấu hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới đã có ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca tử vong giảm. Cụ thể, tính đến sáng nay, quốc gia này có tổng cộng 131.646 ca nhiễm và 12.641 ca tử vong, tăng lần lượt 5.478 và 694 ca so với một ngày trước đó.
Chính phủ nước này vẫn tuyên bố sẽ gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 25/4.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đã ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ ngày 19/3 và số người được chăm sóc đặc biệt cũng giảm trong 2 ngày liên tiếp.
Trong vòng 24h qua, Italy đã ghi nhận thêm 4.316 ca nhiễm và 525 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 128.948 và 15.887.
Trước các diễn biến tích cực trong những ngày qua, Chủ tịch Viện Y học cấp cao Italy Silvio Brusaferro tuyên bố, đại dịch COVID-19 tại Italy đã có thể tính đến bước đi tiếp theo.
Bộ Y tế Italy hôm 5/4 cũng đã chính thức công bố kế hoạch chiến lược trong giai đoạn 2, tức giai đoạn gỡ bỏ biện pháp phong toả để sống chung với dịch.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 tại Châu Âu và lớn thứ 4 trên thế giới với 100.123 ca nhiễm, 1.584 ca tử vong; tăng lần lượt 4.041 và 140 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ nước này cũng đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4.
Pháp - ổ dịch lớn thứ 5 thế giới hôm qua ghi nhận số ca tử vong hàng ngày thấp nhất trong vòng một tuần. Theo đó, Pháp ghi nhận thêm 518 ca tử vong và 2.886 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 8.087 và 92.839.
Đến sáng nay, Anh có thêm 5.903 ca nhiễm COVID-19 và 621 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 47.806 và 4.934 ca.
Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị (Elizabeth II) tối cùng ngày đã có bài diễn văn hiếm hoi được phát trực tiếp trên truyền hình gửi tới toàn thể thần dân Vương quốc Anh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang làm chao đảo nước này.
Bà nói rằng nước này sẽ vượt qua đại dịch COVID-19 nếu tiếp tục quyết tâm thực hiện phong tỏa và tự cách li, như tinh thần mà đất nước này đã đi qua cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á (sau Trung Quốc đại lục) với 58.226 ca nhiễm và 3.603 ca tử vong, tăng lần lượt 2.483 và 151 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, nền kinh tế Iran đang phải hứng chịu đòn kép từ dịch COVID-19 và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 3.662 ca nhiễm và 61 ca tử vong, tăng lần lượt 179 và 4 ca so trong vòng 24h qua. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.
Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 3.246 ca nhiễm và 152 ca tử vong, tăng lần lượt 152 và 8 ca. Trong vòng 24h qua, Philippines là quốc gia có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất khu vực.
Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 2.273 ca nhiễm và 198 ca tử vong; tăng lần lượt 181 và 7 ca so với một ngày trước đó.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 102 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.169 và 23 ca.
Singapore tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 1.309 ca nhiễm và 6 ca tử vong do COVID-19.