|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 7/4: Tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu và Mỹ lắng dịu, đồng USD dần mất sức hút

18:40 | 07/04/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dường như đã đạt đỉnh tại một số quốc gia châu Âu và tình hình ở Mỹ cũng đang dần cải thiện, tâm lí ưa rủi ro của nhà đầu tư được kích thích, khiến đồng USD mất dần ánh hào quang của một đồng tiền trú ẩn.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (7/4), vào lúc 18h giờ Việt Nam có 3/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 7 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 7/4: Tình hình dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ đều lắng dịu, đồng USD dần mất sức hút - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp AUD/USD tăng cao nhất với mức tăng 1,63% và cặp USD/CAD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,71%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 7/4: Tình hình dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ đều lắng dịu, đồng USD dần mất sức hút - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 7/4: Tình hình dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ đều lắng dịu, đồng USD dần mất sức hút - Ảnh 3.

Nhiều yếu tố bất lợi cho đồng bạc xanh

Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD đã mất dần ánh hào quang của một "vịnh tránh bão" vì tâm lí ưa mạo hiểm của nhà đầu tư được thúc đẩy khi đại dịch COVID-19 dường như đã đạt đỉnh tại một số quốc gia châu Âu và tình hình ở Mỹ cũng đang dần cải thiện.

Vào lúc 14h10 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ giảm 0,5% xuống còn 100,235 điểm. So với đồng USD, các đồng NZD và AUD đều tăng hơn 1%.

Cặp tỷ giá USD/JPY giảm 0,3% xuống còn 108,88 JPY/USD, trong khi cặp EUR/USD tăng 0,6% lên ngưỡng 1,0859 USD/EUR và cặp GBP/USD tăng 0,7% lên ngưỡng 1,2316 USD/GBP, bất chấp việc Thủ tướng Boris Johnson phải vào phòng chăm sóc tích cực vì triệu chứng COVID-19 trở nặng.

Theo dữ liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins tính đến tối hôm nay (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 210 quốc gia/vùng lãnh thổ xác nhận có ca nhiễm COVID-19. Tổng số ca bệnh hiện là 1.352.287 và số ca tử vong là 75.299.

Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Đức là 4 ổ dịch lớn nhất thế giới, riêng Mỹ ghi nhận 367.650 ca dương tính với COVID-19 và 10.943 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, số ca tử vong theo ngày của Tây Ban Nha đang giảm dần, trong đó số liệu của ngày 6/4 đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/3 là 637 trường hợp. Trong khi đó, Italy chỉ báo cáo thêm 525 ca tử vong hôm 5/4, mức thấp nhất từ ngày 19/3, mặc dù số liệu có tăng nhẹ vào ngày 6/4.

Tại New York, tâm chấn dịch COVID-19 của Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo hôm 6/4 cho biết tỉ lệ tử vong của bang đã ổn định trong hai ngày qua.

Theo tổng hợp từ Investing.com, nhà đầu tư đang theo dõi sát sao đồng EUR vì các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng tiền chung sẽ tổ chức một cuộc họp từ xa để thảo luận về chiến lược hỗ trợ khối kinh tế chung chống lại đại dịch.

Nhiều ý tưởng và kế hoạch khác nhau đang cạnh tranh để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo EU, tuy nhiên đề xuất "trái phiếu corona" mà Italy và Tây Ban Nha ra sức ủng hộ nhiều khả năng sẽ bị Đức và Hà Lan loại bỏ đầu tiên.

Giá dầu thô cũng là một yếu tố khác ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD.

"Mối quan hệ giữa đồng USD và dầu thô ngày càng trở nên mất cân đối, đặc biệt là khi sản lượng dầu thô của Mỹ giờ đây đã là một nhân tố tác động quan trọng đối với đồng USD", nhóm nhà phân tích tại Danske Bank nhận định.

Nhìn vào cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 9/4 giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác, Danske Bank cho rằng giá dầu Brent có thể bị tác động mạnh nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận giảm sản lượng, từ đó khiến đồng USD bị ảnh hưởng theo.

Ngoài ra, nếu đúng theo dự đoán của Danske Bank, cặp tỷ giá USD/JPY có thể do đó mà tụt xuống mức 106 JPY/USD lần nữa.

Kể từ khi liên minh OPEC+ sụp đổ vào đầu tháng 3, hợp đồng dầu thô giao sau đã giảm xuống đáy 18 năm do ảnh hưởng kép của nguồn cung dư thừa và đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới giảm 1/3.

Mặc dù giá dầu thô đã phục hồi phần nào, các nhà sản xuất vẫn đang đau đầu vì hết kho chứa cũng như có thể phải đóng cửa các giếng dầu.

Bloomberg nhận định OPEC và các đồng minh khó mà đạt được thỏa thuận giảm sản lượng, đặc biệt là khi Mỹ chưa chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.