|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trên bàn đàm phán giảm sản lượng dầu thô, ai thuận ai chống?

17:44 | 07/04/2020
Chia sẻ
Thị trường dầu mỏ đang phải đối mặt với một tuần mang tính quyết định khi Arab Saudi, Nga và các nhà sản xuất lớn khác dốc sức làm việc để tổ chức thành công cuộc họp có thể ngăn chặn đà lao dốc của giá dầu thô. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô không đồng đều là yếu tố khiến thỏa thuận "đầu xuôi đuôi không lọt".

Cuộc họp trực tuyến giữa OPEC và các đồng minh (thường được gọi là OPEC+) đã bị hủy và dự kiến sẽ tổ chức lại vào ngày 9/4 tới.

Kể từ khi liên minh OPEC+ sụp đổ vào đầu tháng 3, hợp đồng dầu thô giao sau đã giảm xuống đáy 18 năm do ảnh hưởng kép của nguồn cung dư thừa và đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới giảm 1/3.

Mặc dù giá dầu thô đã phục hồi phần nào, các nhà sản xuất vẫn đang đau đầu vì hết kho chứa cũng như có thể phải đóng cửa các giếng dầu.

Bloomberg nhận định OPEC+ khó mà đạt được thỏa thuận giảm sản lượng, đặc biệt là khi Mỹ chưa chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Dựa theo dữ liệu của khối OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đối với các nước không thuộc OPEC, CDU-TEK đối với Nga và Cơ quan Quản lí Thông tin Năng lượng (EIA) đối với Mỹ, Bloomberg muốn chỉ ra phần nào vị thế của các nhà sản xuất dầu thô lớn trên bàn đàm phán.

Trên bàn đàm phán giảm sản lượng dầu thô, ai thuận ai chống? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Arab Saudi

Sản lượng: 12 triệu thùng/ngày (tháng 4)

Đến cuối tuần này, Arab Saudi mới công bố bảng giá dầu hàng tháng (một chỉ báo được thị trường theo dõi sát sao) nhằm chờ đợi tín hiệu về cuộc họp trực tuyến giữa các nhà cung ứng dầu thô thế giới.

Aramco cho biết tập đoàn sẽ phân phối dầu thô ra thị trường ở mức kỉ lúc ít nhất là cho đến tháng 5 nhằm giành thị phần sau khi liên minh OPEC+ sụp đổ vào tháng 3.

Vào ngày đầu tiên của tháng 4, Arab Saudi đã tăng sản lượng lên hơn 12 triệu thùng/ngày. Đất nước Trung Đông đã làm rõ rằng lần này họ sẽ không cắt giảm sản lượng mạnh tay như mong muốn của các nhà cung ứng lớn khác.

Nga

Sản lượng: 11,29 triệu thùng/ngày (tháng 3)

Bloomberg dẫn 4 nguồn thạo tin cho biết Nga đồng ý sẽ giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong bất kì thỏa thuận nào với các nhà sản xuất dầu thô lớn khác, miễn là Mỹ phải tham gia đồng hành cùng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trên toàn cầu là khả thi và Nga sẵn sàng tham gia dựa trên cơ sở "hợp tác với các nước".

Tuy nhiên, Nga không đồng ý giảm sản lượng vượt quá 1/10 của con số nêu trên, theo một nguồn tin của Bloomberg.

Mỹ

Sản lượng: 13 triệu thùng/ngày (cuối tháng 3)

Tổng thống Donald Trump đã khiến thị trường dầu mỏ tuần qua đứng ngồi không yên sau khi đăng tải trên Twitter rằng ông đã đứng ra dàn xếp một thỏa thuận giảm sản lượng 10 - 15 triệu thùng/ngày giữa Arab Saudi và Nga. Sau bình luận của ông Trump, giá dầu thô đã tăng vọt.

Cho đến nay, ông Trump không cho thấy Mỹ sẵn lòng tham gia vào thỏa thuận giảm sản lượng. Cuối tuần qua, ông còn đe dọa đánh thuế dầu thô nước ngoài nếu giá dầu vẫn dao động quanh mức đáy của gần hai thập kỉ.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng làm rõ rằng ông kì vọng các cựu đồng minh OPEC+ sẽ đạt được thỏa thuận chung.

Brazil

Sản lượng: 3,06 triệu thùng/ngày (tháng 2)

Tập đoàn Petroleo Brasileiro là một trong các nhà cung ứng dầu mỏ tiên phong cắt giảm chi tiêu và thực sự giảm sản lượng khai thác để đối phó với đà lao dốc của giá dầu thô.

Theo một thông báo đưa ra vào tháng trước, Petroleo Brasileiro sẽ giảm sản lượng 100.000 thùng/ngay và tạm ngưng vận hành các cơ sở tốn kém ở vùng nước nông tại các dự án mà tập đoàn đang cố bán đi.

Mặc dù các ông lớn khác như Chevron và Royal Dutch Shell đều đã cắt giảm chi tiêu để củng cố tình hình tài chính, các hãng này vẫn đang cố gắng để không phải đóng cửa mỏ khai thác dầu.

Na Uy

Sản lượng: 2,07 triệu thùng/ngày (tháng 2)

Na Uy, nhà sản xuất dầu thô lớn nhất ở khu vực Tây Âu, cho biết sẽ xem xét giảm sản lượng nếu có một thỏa thuận hạn chế nguồn cung ở phạm vi quốc tế.

Dù sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng trong vài năm tới, quốc gia Bắc Âu này vẫn chưa tham gia vào một nỗ lực chung nào để củng cố giá dầu kể từ năm 2002. Theo Bloomberg, Na Uy sản xuất chưa đến 2% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Canada

Sản lượng: 5,78 triệu thùng/ngày (tháng 2)

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Canada Sonya Savage sẽ tham gia vào cuộc họp trực tuyến của khối OPEC+ và cam kết duy trì quan điểm cởi mở nhằm giải quyết cuộc chiến giá dầu toàn cầu.

"Chúng tôi không thể tạo ra tác động đáng kể đối với giá dầu toàn cầu vì vị trí địa lí không giáp biển của tỉnh Alberta", Tỉnh trưởng Jason Kenney nói. "Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng tham gia nếu các bên muốn dốc sức ngăn chặn đà đi xuống của giá dầu".

Iraq

Sản lượng: 4,62 triệu thùng/ngày (tháng 3)

Iraq - nhà cung ứng dầu thô lớn thứ hai của OPEC, rất lạc quan rằng cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 9/4 sẽ đạt được thỏa thuận mới về sản lượng dầu thô.

Tất cả các nhà sản xuất đều đang ở trên cùng một chiếc thuyền và phải hợp tác để đạt được mục tiêu chung, Bộ Dầu mỏ Iraq thông tin.

Bộ này khẳng định thỏa thuận giảm sản lượng sẽ yêu cầu sự hỗ trợ từ tất cả nhà cung ứng trong khối OPEC+ lẫn Mỹ, Canada và Na Uy.

Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)

Sản lượng: 3 triệu thùng/ngày (tháng 3)

Dưới sự dẫn dắt của Arab Saudi, UAE - nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba OPEC, đã tăng sản lượng khai thác trong vài năm qua.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết trong tháng 4, Abu Dhabi National Oil đã bơm khoảng 4 triệu thùng/ngày, còn trong tháng 3 hãng này sản xuất khoảng 3,56 triệu thùng/ngày.

Vào tháng 3, lần đầu tiên trong gần ba năm UAE đã xuất khẩu hơn 100 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ, chủ yếu là sang Trung Quốc. Hôm 5/4, nước này cho rằng một cuộc họp khẩn cấp giữa OPEC+ và các nhà sản xuất dầu thô khác là cực kì cần thiết để đảm bảo tính ổn định của thị trường dầu mỏ.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.