|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ muốn kéo Mỹ vào bàn đàm phán nhưng ông Trump khước từ, cơ hội nào cho thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô?

18:54 | 06/04/2020
Chia sẻ
Arab Saudi, Nga và các nhà sản xuất dầu thô lớn khác đang chạy đua để đàm phán thỏa thuận giảm sản lượng nhằm ngăn chặn đà lao dốc của giá dầu sau khi một số nhà ngoại giao cho biết các bên đã đạt được tiến bộ nhất định hôm 5/4. Dù vậy, các cuộc đàm phán đang gặp phải trở ngại lớn xuất phát từ phía Tổng thống Trump.

Theo Bloomberg, quá trình đàm phán còn phải đối mặt với một số trở ngại lớn: cuộc họp của OPEC+ vừa bị trì hoãn lần một và chỉ mới dự kiến tổ chức lại vào ngày 9/4 tới. Nga và Arab Saudi muốn Mỹ tham dự cùng, tuy nhiên Tổng thống Trump đến nay không cho thấy ông sẵn lòng làm điều đó.

Các nhà ngoại giao ngành dầu mỏ đang cố gắng tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng G20 vào ngày 10/4 như một nỗ lực kéo Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, Bloomberg dẫn hai nguồn tin thân cận cho hay.

OPEC+ muốn kéo Mỹ vào bàn đàm phán nhưng ông Trump khước từ, cơ hội nào cho thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô? - Ảnh 1.

OPEC+ muốn kéo Mỹ vào bàn đàm phán nhưng ông Trump khước từ, cơ hội nào cho thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô chung? (Ảnh minh họa: Getty Images)

Giá dầu thô đã tụt dốc 50% trong năm nay do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 làm nhu cầu dầu thô toàn cầu giảm 1/3.

Giá dầu thô lao dốc nghiêm trọng đến mức đe dọa tính ổn định của các quốc gia phụ thuộc vào mặt hàng này cũng như cơ hội sống còn của các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ và đặt ra thách thức mới cho các ngân hàng trung ương.

Ngay cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - tổ chức đại diện cho các quốc gia tiêu thụ dầu thô, cũng kêu gọi các bên hành động. Các quan chức trong ngành hiểu rằng nếu thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu thô không được chốt, thị trường sẽ buộc các nhà sản xuất  giảm sản lượng vì không còn chỗ chứa dầu.

"Chúng tôi nhận thấy thị trường dầu thô đang vượt cung", ông Fatih Birol - người đứng đầu IEA, cho hay trong một cuộc phỏng vấn hôm 5/4. "G20, dưới sự dẫn dắt của Arab Saudi, cần phải cầm cương để giải quyết vấn đề".

Lần đầu được ông Trump tiết lộ vào tuần trước, mục đích của các cuộc đàm phán là nhằm giảm sản lượng dầu thô khoảng 10% - mức giảm lớn nhất từng thấy của khối OPEC+. Giá dầu phục hồi sau bình luận của ông Trump nhưng đã giảm dần khi trở ngại về mặt ngoại giao giữa các thành viên trong khối OPEC+ trở nên rõ ràng.

Trong phiên giao dịch hôm nay (6/4), giá dầu Bent giao sau tại châu Á có lúc giảm 4% xuống còn 32,6 USD/thùng.

Ngay cả khi OPEC+ đạt được thỏa thuận giảm sản lượng đến 10 triệu thùng/ngày, tình trạng dư thừa nguồn cung nhiều khả năng không thể giải quyết triệt để, vì theo ước tính hiện tại thì nguồn cung dư thừa đang ghi nhận ở mức 35 triệu thùng/ngày.

Ở một số thị trường, giá dầu thô đã giảm xuống mức âm và thương nhân phải chiết sản phẩm sang tàu chở dầu với tốc độ kỉ lục để đem ra biển chứa.

Chính quyền Tổng thống Trump không sẵn lòng tham gia đàm phán với OPEC+

Arab Saudi và Nga đều cho biết hai nước muốn Mỹ (hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới nhờ vào cuộc cách mạng dầu đá phiến) tham gia giảm sản lượng.

Tuy nhiên, ông Trump chỉ đưa ra bình luận kém thân thiện về OPEC+ hôm 4/4, đe dọa áp thuế quan đối với sản phẩm dầu mỏ nước ngoài. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo cuối ngày 5/4, ông cho biết mình không dự định sử dụng các biện pháp thuế quan.

Bloomberg nhận định so với OPEC+, G20 có thể là một diễn đàn "dễ thở" hơn cho Mỹ.

"Nếu phía Mỹ không tham gia, vấn đề vốn tồn tại từ trước khi Nga và Arab Saudi đụng độ sẽ vẫn ở đó. OPEC+ sẽ giảm sản lượng trong khi Mỹ tăng cường sản xuất dầu thô, mọi chuyện lúc đó chẳng có nghĩa lí gì", ông Fyodor Lukyanov - người đứng đầu Viện Chính sách Ngoại giao và Quốc phòng, cho hay.

Theo Bloomberg, hiện không rõ liệu Nga và Arab Saudi sẽ yêu cầu Mỹ công khai cam kết giảm sản lượng hay chỉ cần một cử chỉ thỏa hiệp là đủ. Công khai cam kết giảm sản lượng là một thách thức trong ngành công nghiệp tư nhân bị phân mảnh ở Mỹ.

Ông Alexander Dynkin - Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới tại Moscow, cho hay Nga sẽ muốn Mỹ gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt như một cử chỉ thiện chí.

Tuần trước, Tổng thống Trump tự tin cho hay Nga và Arab Saudi sẽ đạt được thỏa thuận giảm sản lượng và đã gây áp lực cho cả hai nước. Cả ba "tay chơi" - Thái tử Mohammed bin Salman, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Trump, dường như đang tránh đổ lỗi cho nhau nếu đàm phán thất bại.

Saudi Arab và Nga bắt đầu đổ lỗi cho phía còn lại kể từ đầu tháng trước, khi các cuộc đàm phán OPEC+ đổ vỡ vì Nga từ chối giảm sản lượng và Arab Saudi sau đó kích hoạt cuộc chiến giá dầu.

Cuộc chiến giữa hai cựu đồng minh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, buộc ông Trump phải "tham chiến".

Đàm phán không chính thức

"Khả năng có được một thỏa thuận ý nghĩa buộc các bên phải giảm sản lượng thực sự khá thấp, tuy nhiên đàm phán thông qua các kênh không chính thức đang diễn ra", ông Amrita Sen - nhà phân tích trưởng tại công tư vấn Energy Aspects, nói.

"Thái tử Mohammed bin Salman đang gánh chịu áp lực chính trị nặng nề từ phía ông Trump để chứng minh Arab Saudi không phải đang cố ý đẩy ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ vào cảnh phá sản", ông Sen lí giải.

Bất kì thỏa thuận nào cũng cần sự mềm mỏng về mặt ngoại giao khi mà các nước đang dành nguồn lực lớn để chống lại đại dịch COVID-19.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Nga và Arab Saudi, vốn tranh luận công khai vào cuối tuần qua, cũng không nhất trí về cách tính mức giảm sản lượng.

Trong khi Nga ủng hộ việc sử dụng trung bình sản lượng quí đầu tiên làm cơ sở, Arab Saudi muốn dùng sản lượng hiện tại của tháng 4.

Khác biệt giữa hai cách tính là rất lớn: Arab Saudi đã bơm trung bình 9,8 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 1 - 3/2020. Vào tháng 4, khi khơi mào cuộc chiến giành thị phần, Arab Saudi sản xuất đến hơn 12 triệu thùng/ngày.

Yên Khê