OPEC+ xem xét hoãn việc kế hoạch tăng sản lượng dầu thô vào tháng 4?
Một trong số các đại biểu thuộc OPEC+ cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn quá mong manh để có thể khôi phục sản lượng ngay lúc này. Tuy nhiên, chưa có quyết định cuối cùng và nội bộ nhóm vẫn đang chia rẽ về hướng đi tiếp theo.
Việc hoãn đợt tăng sản lượng khiêm tốn 120.000 thùng/ngày sẽ đánh dấu lần thứ 4 liên minh OPEC+ trì hoãn kế hoạch khôi phục sản lượng đã bị cắt giảm từ năm 2022.
Hiện tại, OPEC+ đặt mục tiêu khôi phục tổng cộng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày theo từng giai đoạn hàng tháng, hoàn tất vào cuối năm 2026. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết khung thời gian này "vẫn giữ nguyên" và chưa có cuộc thảo luận nào về việc trì hoãn.
Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi OPEC “giảm giá dầu”, giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, với mức giá 74 USD/thùng, nhiều nước thành viên OPEC vẫn chưa thể cân đối ngân sách nhà nước. Tuần trước, Tổng Thư ký OPEC khẳng định các quyết định của tổ chức này sẽ ưu tiên tác động dài hạn hơn là nhượng bộ áp lực bên ngoài.
“Về lý thuyết, có thể lập luận rằng nguồn cung nên tăng trở lại vào tháng Tư,” ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu mỏ tại Onyx Commodities Ltd, nhận xét. “Nhưng thực tế thì sao? Giá dầu mới là yếu tố quyết định cuối cùng.”
Trong một báo cáo tuần trước, OPEC cũng cảnh báo về những rủi ro từ các mức thuế thương mại của Mỹ. Báo cáo cho rằng các biện pháp này làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường, có thể gây ra mất cân bằng cung-cầu không phản ánh đúng các yếu tố nền tảng, từ đó làm tăng biến động giá dầu.
Kazakhstan, một trong những thành viên OPEC+ thực hiện chậm cam kết cắt giảm sản lượng, đã cam kết với lãnh đạo nhóm rằng họ sẽ có thêm biện pháp để tuân thủ nghĩa vụ. Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Almassadam Satkaliyev đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Tổng Thư ký OPEC Haitham Al-Ghais vào ngày thứ Hai.
OPEC+ lần đầu công bố kế hoạch khôi phục dần sản lượng vào tháng 6 năm ngoái, nhưng do nhu cầu dầu tại Trung Quốc chậm lại và nguồn cung mới từ khu vực châu Mỹ tăng mạnh, tổ chức này đã phải trì hoãn lộ trình ba lần.
Nếu tiếp tục tăng sản lượng, thị trường có nguy cơ dư cung nghiêm trọng. Ngay cả khi OPEC+ giữ nguyên sản lượng, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn sẽ vượt nhu cầu trung bình 450.000 thùng/ngày trong năm nay, theo nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). JPMorgan Chase & Co. và Citigroup Inc. dự báo giá dầu có thể giảm xuống khoảng 60 USD/thùng trước cuối năm 2025.
“Tôi đoán ông Trump sẽ không hài lòng, nhưng OPEC+ hoàn toàn đúng khi giữ nguyên sản lượng,” ông Neil Atkinson, chuyên gia phân tích độc lập và cựu giám đốc bộ phận thị trường dầu mỏ của IEA, nhận định. “Với cân đối cung-cầu hiện tại, thị trường thực sự không có chỗ cho việc tăng thêm sản lượng dầu.”