|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/4: Đồng yen Nhật bị bán tháo, tương lai kém khả quan

18:40 | 06/04/2020
Chia sẻ
Nhà đầu tư đã bán tháo đồng tiền trú ẩn yen Nhật sau khi chính phủ Nhật Bản cho biết sắp tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm chống lại đại dịch COVID-19.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (6/4), vào lúc 17h55 giờ Việt Nam có 3/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 7 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/4: Đồng yen Nhật bị bán tháo, tương lai còn kém khả quan hơn - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản vào lúc 17h55 giờ Việt Nam. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp AUD/USD tăng cao nhất với mức tăng 1,23% và cặp USD/CAD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,54%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/4: Đồng yen Nhật bị bán tháo, tương lai còn kém khả quan hơn - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 6/4: Đồng yen Nhật bị bán tháo, tương lai còn kém khả quan hơn - Ảnh 3.

Chính phủ Nhật Bản sắp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đồng yen Nhật sẽ bị ảnh hưởng

Trong phiên giao dịch hôm nay, nhà đầu tư đã bán tháo đồng tiền trú ẩn yen Nhật (JPY) sau khi chính phủ Nhật Bản cho biết họ dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia nhằm chống lại đại dịch COVID-19.

Và lúc 14h05 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá USD/JPY giảm 0,7% xuống còn 109,17 JPY đổi một USD. Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính gần như không biến động, ghi nhận ở mức 100,685 điểm.

Trong khi đó, cặp EUR/USD tăng 0,1% lên ngưỡng 1,0823 USD đổi một EUR và cặp GBP/USD tăng 0,1% lên ngưỡng 1,2269 USD/GBP.

Nhật Bản cho đến nay chịu ảnh hưởng tương đối nhẹ từ đại dịch COVID-19 với chỉ hơn 3.600 ca dương tính và 85 ca tử vong, theo số liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins tính đến tối ngày 6/4.

Tuy nhiên, áp lực bắt đầu gia tăng, đè nặng lên chính phủ Nhật Bản vì số ca nhiễm mới bắt đầu tăng, trong đó chỉ riêng Tokyo đã vượt ngưỡng 1.000 ca.

Do đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong tuần này.

Đến nay, đã có 209 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu xác nhận có ca nhiễm COVID-19, với tổng cộng hơn 1.200.000 ca bệnh và hơn 69.000 ca tử vong.

Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới, với tâm dịch là tiểu bang New York. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca nhiễm và tử vong của Mỹ lần lượt là 336.851 và 9.620.

Châu Âu cũng là một điểm nóng khi 4 nước trong khu vực gồm Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp đều góp mặt trong top 5 ổ dịch lớn nhất thế giới.

Chính phủ các nước đang dốc sức kiểm soát đại dịch giữa lúc vật tư và thiết bị y tế thiếu hụt nghiêm trọng. Hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản lượng khẩu trang y tế, máy thở, đồ bảo hộ để phục vụ công tác chống dịch.

Ngoài ra, chính phủ và các ngân hàng trung ương cũng ra sức kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu thiệt hại của đại dịch, đáng chú ý là gói cứu trợ hơn 2.000 tỉ USD của chính phủ Mỹ mới đây.

"Số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản có thể chưa đạt đỉnh trong tháng này, do đó thị trường sẽ nghĩ đây là thời điểm để chính phủ Nhật Bản hành động. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp là điều cần thiết, tuy nhiên đồng JPY có thể bị ảnh hưởng", ông Masafumi Yamamoto - chiến lược gia tiền tệ trưởng tại công ty Mizuho Securities, chia sẻ với CNBC.

Trong một lưu ý, SaxoBank nhận định: "Khi Nhật Bản bất ngờ đối mặt với vấn đề COVID-19, ngay khi năm tài khóa mới vừa bắt đầu từ ngày 1/4, đồng JPY giảm điểm sẽ chỉ kích thích nhà đầu tư tìm đến đồng bạc xanh".

Cũng trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD tiếp tục tăng giá so với nhiều đồng tiền của thị trường mới nổi, trong đó đồng rupiah Indonesia (IDR) và đồng peso Mexico (MXN) chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Ngoài vấn đề riêng trong kiểm soát đại dịch, nhiều thị trường mới nổi đang rất thiếu đồng USD để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, đặc biệt là khi người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ không còn bơm USD vào nền kinh tế thế giới.

Khả Nhân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.