|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 6/4 - 10/4: COVID-19 len lỏi trong số liệu thất nghiệp của Mỹ, biên bản cuộc họp Fed và giải pháp kinh tế của EU

06:38 | 06/04/2020
Chia sẻ
Từ báo cáo về hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ, biên bản cuộc họp chính sách của Fed đến cuộc chiến giá dầu và giải pháp hỗ trợ tài chính của EU dành cho các nước nghèo đều xoay quanh đại dịch COVID-19, nhà đầu tư có lẽ sẽ không bỏ qua loạt thông tin này.

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo về "hai tuần đau thương nhất của nước Mỹ" và một loạt dữ liệu cũng dần cho thấy tác động toàn diện của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu biến động thất thường cũng là một yếu tố đáng lưu tâm. Trong bối cảnh như trên, nhà đầu tư đang chuẩn bị tâm lí để đón nhận các thông tin kém khả quan trong tuần này.

1. Tổng thống Trump cảnh báo số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ có thể tăng đột biến

Reuters dẫn lời ông Trump khuyến nghị người dân Mỹ cần chuẩn bị tâm thế vì số ca tử vong tại Mỹ có thể tăng khủng khiếp trong vài ngày tới, đúng như lời cảnh báo về "hai tuần đau thương nhất trong đại dịch COVID-19" mà ông đưa ra trước đó.

"Sẽ có rất nhiều người phải chết", ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 4/4.

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins tính đến tối ngày 5/4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ hiện là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 312.000 ca nhiễm và hơn 8.500 ca tử vong.

Các chuyên gia y tế Nhà Trắng dự đoán tổng số ca tử vong tại Mỹ có thể đạt 100.000 - 240.000 người, ngay cả khi người dân tuân thủ lệnh giãn cách xã hội.

2. Giá dầu thô có thể rơi vào "miệng núi lửa" khi cuộc họp của OPEC+ bị hoãn lại

Biến động giá dầu thô đã làm tăng thêm mức độ biến động của thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 6/4 - 10/4: COVID-19 len lỏi trong số liệu thất nghiệp của Mỹ, biên bản cuộc họp Fed và giải pháp kinh tế của EU - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục "ngự trị" trong tâm trí nhà đầu tư ngoại hối tuần này. (Ảnh minh họa: XM)

Trước khi tăng trở lại nhờ tuyên bố của ông Trump rằng ông đã làm trung gian cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Nga - Arab Saudi, giá dầu thô đã giảm mạnh đến 70% so với mức đỉnh hồi tháng 1.

Tuy nhiên, Reuters dự đoán giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm mạnh trong phiên ngày 6/4 sau khi OPEC và Nga (OPEC+) hoãn cuộc họp cùng ngày cho đến 9/4.

Hôm 30/3, giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất trong tuần là 20 USD/thùng. Đến phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu đã phục hồi về mức 34,83 USD/thùng, dù vậy vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 66 USD/thùng vào cuối năm 2019.

3. Số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ dự kiến tiếp tục tăng

Trong tuần này, báo cáo sơ bộ về số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp của Mỹ (công bố ngày 9/4) sẽ là tâm điểm chú ý.

Hai tuần qua, số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức kỉ lục trong bối cảnh các biện pháp ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại Mỹ khiến doanh nghiệp phải đóng cửa và đẩy mạnh cắt giảm nhân sự.

Các nhà kinh tế dự đoán con số trong báo cáo sơ bộ tuần này có thể rơi vào khoảng 5 triệu hồ sơ.

"Các biện pháp chống dịch có thể kéo dài đến tháng 5, chúng tôi sẽ không ngạc nhiên mấy nếu tỉ lệ thất nghiệp tăng 15% trong vài tháng tới. Ngoài ra, chúng tôi nhận định tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm 40% trong quí II", nhóm nhà phân tích tại ING cho hay.

4. Biên bản cuộc họp của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách mới nhất vào ngày 8/4, nhà đầu tư có thể thông qua đó mà nắm bắt thông tin chi tiết xoay quanh quyết định hạ lãi suất và các gói kích thích của Fed thời gian qua.

Lịch kinh tế do ngân hàng trung ương Mỹ công bố hôm 3/4 cho thấy Chủ tịch Jerome Powell và ông Trump đã có hai cuộc điện đàm vào ngày 7/2 và 26/2.

Theo Reuters, chưa rõ hai bên đã trao đổi vấn đề gì, tuy nhiên đến hôm 28/2, ông Powell đưa ra tuyên bố nhấn mạnh rủi ro của đại dịch COVID-19 và hứa hẹn Fed sẽ hành động thích hợp để củng cố nền kinh tế Mỹ.

Tiếp đến, vào ngày 3/3, Fed thực hiện hạ lãi suất khẩn cấp.

5. Khu vực Eurozone tranh cãi về "trái phiếu corona"

Các quan chức Bộ Tài chính khu vực đồng tiền chung euro sẽ tổ chức một cuộc thảo luận trong tuần này để bàn đối sách hỗ trợ các nước nghèo hơn chống đại dịch COVID-19.

Reuters nhận định giải pháp cho vấn đề chỉ có thể xuất hiện vào ngày 9/4 hoặc sau đó. Tình trạng bất đồng quan điểm đang leo thang bên trong khối kinh tế chung, trong khi Đức và Hà Lan kịch liệt phản đối đề xuất về "trái phiếu corona" thì Pháp, Italy và Tây Ban Nha lại hết sức ủng hộ.

Trái phiếu corona được cho là sẽ giúp các nước nghèo và nhà đầu tư an tâm rằng các thành viên thịnh vượng hơn trong khối sẽ đứng sau hỗ trợ và kiểm soát chi phí đi vay.

Khả Nhân