Năm 2022, giá thực phẩm chưa hết đắt đỏ, người tiêu dùng cần cẩn trọng giá đường, ngô và lúa mì
Giá thực phẩm chưa thể hạ nhiệt
Tháng 10 năm nay, chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đạt trung bình 133,2 điểm, tăng so với mức 129,2 điểm của tháng 9 và lập đỉnh mới kể từ tháng 7/2011. Số liệu tháng 11 hiện chưa được công bố nhưng được dự báo là vẫn duy trì quanh mức đỉnh hơn 10 năm.
Trong báo cáo mới nhất, các nhà phân tích của Rabobank nhận định, trong năm tới, giá thực phẩm toàn cầu nhiều khả năng vẫn neo gần mức kỷ lục này do người dân đẩy mạnh tích trữ hàng hóa, giá năng lượng cùng với cước phí vận tải cao ngất, thời tiết bất lợi gây hại mùa màng và đồng bạc xanh mạnh lên.
Giá lương thực tăng cao góp phần thổi bùng lạm phát trên toàn cầu, khiến các ngân hàng trung ương và chính phủ nhiều nước phải đau đầu tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, giới chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đến nay vẫn khẳng định lạm phát chỉ là nhất thời.
Báo cáo mới của Rabobank có đoạn: "Ở thời điểm này, lạm phát chắc chắn không còn là tạm thời". Ngân hàng trụ sở tại Hà Lan lưu ý rằng trong năm tới, các gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19 có thể giảm bớt, nhưng giá nông sản thì khả năng cao là không thể hạ nhiệt.
Chưa kể, Rabobank còn cảnh báo giá thực phẩm cao có thể dẫn tới bất ổn xã hội. "Người dân tại một số nước đã bày tỏ thái độ bất mãn vì giá thực phẩm. Xu hướng này sẽ tiếp diễn sang năm 2022", nhóm nhà phân tích của Rabobank cho hay.
Rabobank nhận thấy giá đường và ngô có thể tăng mạnh do giá ethanol nhảy vọt trong năm 2022. Các nhà máy xay xát ở Brazil, một trong các nước cung ứng ngũ cốc hàng đầu thế giới, có thể chọn giữa tinh luyện đường hoặc sản xuất ethanol từ cây mía. Điều tương tự cũng xảy ra với ngô.
"Do thị trường đường không thể chịu mức thâm hụt nguồn cung lớn hơn, giá đường buộc phải tăng theo giá ethanol", các nhà phân tích giải thích thêm.
Ngoài ra, các chuyên gia tại Rabobak cũng dự đoán giá ca cao sẽ tăng đáng kể trong năm tới khi mà sản lượng ca cao sụt giảm mạnh do thời tiết cực đoan, gây hại cho vụ mùa tại các nước canh tác lớn.
Cũng theo Rabobank, giá lúa mì dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm sau, trước khi hạ nhiệt trong nửa cuối năm do nhu cầu đối với lúa mì làm thức ăn chăn nuôi giảm xuống.
Liên đới tới giá xăng dầu
Ngoài các yếu tố liên quan đến cung - cầu hàng hóa, giá thực phẩm có thể tăng cao hơn trong năm tới còn bắt nguồn từ việc giá xăng dầu phục hồi đáng kể so với mức thấp của năm 2020.
Dầu thô gián tiếp tác động đến giá thực phẩm theo hai hướng. Thứ nhất, cước vận tải thực phẩm vốn rất nhạy cảm với giá nhiên liệu. Một khi giá xăng tăng lên, chi phí vận chuyển cũng phải tăng theo. Các nhà cung ứng thực phẩm chỉ có thể tự hấp thụ phí tổn, hoặc đẩy sang người tiêu dùng.
Thứ hai, phân bón là sản phẩm phụ của dầu thô hoặc khí đốt. Đồng thời, phân bón lại là một trong những chi phí lớn nhất để sản xuất lương thực, từ cây cà phê ở Việt Nam đến cánh đồng ngô ở Mỹ. Nếu giá dầu thô nhảy vọt, chắc chắn giá phân bón, chi phí sản xuất nông nghiệp và cuối cùng là giá thành phẩm đều tăng.
Tương tự với phí vận tải, chi phí tăng thêm trong quá trình canh tác nông nghiệp cũng thường sẽ được đẩy sang người tiêu dùng, đối tượng nằm cuối chuỗi cung ứng, dưới dạng giá bán lẻ. Từ đó, lạm phát giá thực phẩm sẽ đi lên như một hệ quả tất yếu.
Theo các nhà phân tích tại Nomura Holding (trụ sở tại Nhật Bản), mức độ tương quan giữa giá thực phẩm và giá xăng dầu càng lớn khi giá dầu thô nằm trên ngưỡng 80 USD/thùng.
Hiện tại, do sự xuất hiện của siêu biến chủng Omicron, giá dầu thô đã tụt xuống dưới mốc 80 USD/thùng. Song, khi thị trường giảm bớt mối lo về biến chủng mới, giá của loại nhiên liệu hóa thạch này được dự đoán là sẽ phục hồi trở lại.