'Bão' lạm phát giá thực phẩm ở châu Á: Giá một chiếc pizza bằng bữa ăn của 150 người Phillipines
Tháng trước, giá thực phẩm thế giới leo lên mức cao nhất kể từ năm 2011, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc.
Tại châu Á, nhiều nền kinh tế có vẻ đã tránh được nỗi đau tệ nhất. Nhưng tính chất đa dạng của các nền kinh tế châu Á – từ các nước phát triển như Singapore cho đến nước đang phát triển như Ấn Độ và Philippines – đồng nghĩa với việc mỗi nơi bị ảnh hưởng theo một cách khác nhau.
Singapore và Hong Kong: "Bộ mặt của nạn đói đã thay đổi"
Ông Lai Chin Hooi, chủ quầy bán rau ở khu dân cư phía đông Singapore cho biết: "Mọi thứ bây giờ đều đắt đỏ và ngày càng khó để làm ăn".
Theo South China Morning Post (SCMP), giá rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 30-40% trong những tuần gần đây. Theo ông Lai nguyên nhân là thời tiết xấu và phí vận chuyển đắt. Giá hoa quả từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan cũng đi lên nhưng dễ thở hơn.
Dữ liệu chính phủ cho thấy lạm phát giá thực phẩm tăng 1,6% trong tháng 9. Nhưng mức tăng của một số mặt hàng cao hơn hẳn con số này. Ví dụ, một kg nho bán giá 8,1 USD trong tháng 6 được bán không dưới 15,7 USD trong tháng 9.
Tại Hong Kong, các nhà cung cấp thực phẩm và nhà hàng cũng đang hứng chịu khó khăn. Các nhà cung cấp đã gióng giả việc tăng giá bột mì, trái cây, rau quả nhập khẩu cũng như sữa và rượu. Chính quyền Hong Kong cảnh báo giá cả leo thang là mối đe dọa đến phục hồi kinh tế.
Các tổ chức phi lợi nhuận ở Singapore cảnh báo rằng những người mất việc trong đại dịch đặc biệt dễ bị tổn thương. Bà Nichol Ng, đồng sáng lập Ngân hàng Thực phẩm Sigapore, cho biết năm ngoái số gia đình gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong đợt bùng phát COVID-19 đã tăng vọt.
"Bộ mặt của nạn đói đã biến đổi, và nó không còn rõ ràng hay dễ nhận biết nữa," bà nói. Trong số những người cần được hỗ trợ có cả dân lao động, chẳng hạn như những người làm nghề tự do, thường không coi mình là "cấp bậc thấp nhất của xã hội".
Ấn Độ: "Tôi sống sót qua COVID-19, nhưng chưa chắc vượt qua được giá cả thế này"
Tại Ấn Độ, lạm phát giá thực phẩm đã đi xuống từ 3,1% còn 0,7% trong tháng 9. Nhưng bù lại là lạm phát cao ngất trời của mọi loại dầu ăn, với mức tăng trên 35%.
Trước đây, cô Kavita Verma ở New Delhi thường dùng dầu mù tạt để nấu ăn nhưng đã phải chuyển qua dầu cọ, loại dầu người nghèo sử dụng trong hỗn hợp gọi là vanaspati.
Cô Verma nói: "Giá vanaspati đã tăng gấp đôi từ 72 rupee/lít lên 140 rupee. Ngân sách thực phẩm của tôi đã sụp đổ. Mọi thứ đều đắt lên. Giá gas tăng 50%. Tôi thực sự đang sống rất chật vật".
Đối với hầu hết dân thường và thậm chí cả những gia đình trung lưu như cô Verma, thực phẩm chiếm phần lớn chi tiêu hộ gia đình.
Chế biến món ăn Ấn Độ gần như là bất khả thi nếu không có hành tây và cà chua. Cả hai mặt hàng này cùng với các loại rau khác vẫn đang rất đắt đỏ vì giá nhiên liệu cao dẫn đến phí vận chuyển cao ngất.
Ông Manish Chawla bán đồ ăn tự nấu cho người lao động trên một chiếc xe đẩy. Giá gas và vanaspati cao khiến chi phí tăng chóng mặt nhưng ông không thể tăng giá vì khách hàng cũng không có tiền để mà trả.
Ông Chawla than thở: "Với lạm phát quá cao, tôi không thể kiếm lãi. Vậy tất cả công sức nặng nhọc của tôi có ích gì? Tôi đã sống sót qua COVID-19 nhưng tôi không biết liệu mình có tồn tại được với những mức giá này hay không".
Người Malaysia nhịn ăn thịt
Ở Malaysia, nhiều người thuộc nhóm thu nhập thấp hơn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lượng thịt tiêu thụ. Bà mẹ 4 con Saliya Zamidi là trụ cột của gia đình kể từ khi chồng cô mất việc trong đại dịch. Thu nhập mỗi tháng của cô chỉ khoảng 960 ringgit (tương đương 230 USD, trong khi trung bình quốc gia là 700 USD).
Với giá mỗi con gà vào khoảng 12 USD, gia đình cô đã quen với việc thay thế thịt bằng trứng, đậu phụ và rau.
Theo số liệu chính phủ Malaysia, nhìn chung giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 1,2% trong tháng 9, chủ yếu bởi thịt và rau củ.
Kechara Soup Kitchen ở Kuala Lumpur, tổ chức vận hành cả ngân hàng thực phẩm và bếp súp cho người nghèo, nhận thấy sự gia tăng của những gương mặt mới trong những tháng gần đây.
Ông Justin Cheah, Giám đốc Kechara cho biết: "Những người thiếu thốn, đặc biệt là người vô gia cư thường xuyên ghé chỗ chúng tôi. Trung bình chúng tôi cung cấp khoảng 1.000 khay đồ ăn mỗi thứ Bảy".
Philippines: Giá pizza có thể nuôi ăn 150 người
Tại thủ đô Manlia, chiếc pizza 18 inch từ một chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng có giá 1.000 peso (20 USD) và đủ cho 5 người ăn. Nhưng cùng số tiền này có thể mua đồ ăn cho 150 người, theo South China Morning Post (SCMP).
Với 21 triệu người Philippines – khoảng 17% dân số - giai đoạn 28/4 đến 2/5 năm nay đã lập kỷ lục cao nhất về "nhịn đói không tự nguyện" kể từ khi tổ chức Social Weather Stations bắt đầu theo dõi nạn đói vào năm 1998.
Chính phủ Philippines đã duy trì giá gạo xát phổ thông ở mức 40 peso/kg kể từ tháng 4 năm ngoái. Nhưng giá các loại lương thực khác thường xuyên biến động theo hướng đi lên, nhiều khi cả hàng chục % sau vài tháng.
Hoàn cảnh tồi tệ đã thúc đẩy nghệ sĩ Ana Patricia, 26 tuổi, mở một quầy thức ăn cộng đồng trong khu phố của mình vào tháng 4 năm ngoái. Cô mua một số loại rau và khuyến khích người lạ đến lấy những thứ họ cần.
7 tháng sau, hành động hào phóng của cô đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người mở 6.700 chạn đựng thức ăn tương tự trên toàn quốc.
Cô Non lưu ý rằng mức lương tối thiểu hàng ngày 500 peso "không phải là mức lương đủ sống để trang trải nhu cầu của gia đình. Tôi không biết họ xoay xở như thế nào".