|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ, Trung Quốc tăng cường xuất hàng qua Việt Nam

15:41 | 10/08/2019
Chia sẻ
Đó là nhận định của ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vào sáng 9-8.

Theo ông Lê Triệu Dũng, xu hướng bảo hộ thương mại đang nổi lên, điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, là những thách thức vô cùng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. 

"Xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ dẫn tới việc hàng hóa của 2 quốc gia này khó tiêu thụ tại thị trường của nhau nên tăng cường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, làm gia tăng sức ép cạnh tranh với các ngành sản xuất trong nước" - ông Dũng nhận định.

Mặt khác, theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, Mỹ và Trung Quốc trong quá trình đối phó với nhau sẽ tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ cũng như hàng loạt biện pháp phòng vệ thương mại khác. 

Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý Việt Nam cần theo dõi sát tình hình, diễn biến thương chiến Mỹ - Trung để có những báo cáo kịp thời, tránh bị động từ diễn biến chính sách của 2 nước lớn.

Liên quan đến nguy cơ gian lận xuất xứ, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho rằng do xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng cao nên nguy cơ gian lận xuất xứ để tránh thuế của các nước nhập khẩu cũng tăng.

"Với việc tăng xuất khẩu đột biến một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường Mỹ, hiện phía Mỹ vẫn chưa xác định là do hiệu quả của tăng đầu tư hay lẩn tránh thuế. Chúng tôi cũng đã yêu cầu cập nhật danh sách thị trường nhập khẩu vào Việt Nam để xây dựng danh sách mặt hàng cảnh báo sớm" - ông Linh thông tin.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, ông Tô Ngọc Sơn, cho rằng cần xây dựng dữ liệu về doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đưa ra cảnh báo về thị trường. 

Thời gian qua, ngoài tình trạng gian lận xuất xứ thông qua việc nhập khẩu vào Việt Nam để đưa sang nước khác, còn có hiện tượng đặt hàng gia công nước ngoài, gắn mác Việt Nam rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc sản phẩm sản xuất từ nước ngoài được nhập về Việt Nam và thay đổi nhãn mác thành hàng sản xuất trong nước. 

"Hành lang pháp lý cần chặt chẽ hơn để siết quản lý. Trong dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam của Bộ Công Thương, đã làm rõ các yếu tố nhằm loại bỏ hành vi gian lận" - ông Sơn nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận có tình trạng nhập khẩu tăng đột biến vào Việt Nam, nhất là một số mặt hàng đang chịu thuế cao ở các thị trường đối thủ trong thương chiến.

"Dù chưa có yếu tố để xác định chính xác vi phạm trong việc này, song phải có bộ lọc tốt để tránh việc lẩn tránh các biện pháp thương mại. 

Cục Phòng vệ thương mại cần phối hợp với các vụ, cục khác để tổ chức theo dõi, bám sát diễn biến các cuộc xung đột thương mại, từ đó cập nhật những vấn đề nóng và dự báo vấn đề phát sinh, trước tiên là các biện pháp phòng vệ để bảo đảm cân bằng lợi ích. 

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp không có định nghĩa mới của hải quan Mỹ thì không thể có chính sách hợp lý" - Bộ trưởng yêu cầu.

Hoài Dương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.