|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ không suy thoái mà có thể sẽ 'hạ cánh mềm': Bằng chứng rõ rệt từ thị trường lao động

15:14 | 31/07/2023
Chia sẻ
Các doanh nghiệp lớn nhỏ tại Mỹ đang cắt giảm chi tiêu nhưng rất thận trọng với việc sa thải nhân sự. Các nhà kinh tế coi đây là bằng chứng vững chắc cho thấy Mỹ có thể hạ cánh mềm, thay vì rơi vào suy thoái.

Doanh nghiệp Mỹ đang hết sức thận trọng với việc sa thải nhân sự. (Ảnh: Wall Street Journal).

“Hạ cánh mềm” trong tầm mắt

Để biết một nền kinh tế “hạ cánh mềm” trông như thế nào, công chúng không cần nhìn đâu xa, mà có thể thấy ngay từ hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp Mỹ.

Một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt, như những gì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) muốn thấy sau khi đã tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.

Ví dụ, khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt đã giảm. Các công ty xây dựng đã bắt đầu hạn chế mua thiết bị. Khách hàng của một công ty cung cấp máy bán hàng tự động đang thương lượng đòi giảm giá.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp sa thải hay giữ chân nhân viên mới là chìa khoá để biết nền kinh tế có thực sự sa sút hay không. Và hiện tại, các công ty tại Mỹ đang ưu tiên giữ chân người lao động, bao gồm cả gã khổng lồ công nghệ Apple.

Mặt khác, người lao động vẫn đang chi tiêu, dù với tốc độ chậm hơn so với trước. Nhìn chung, nền kinh tế dường như đang hạ nhiệt dần dần, nhưng không rơi vào suy thoái như nhiều người đã cảnh báo từ lâu.

Loạt dữ liệu kinh tế mới công bố tuần trước đã củng cố nhận định lạc quan rằng lạm phát có thể đi xuống mà Mỹ không bị suy thoái, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay.

GDP của Mỹ tăng 2,4% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm) nhờ chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng. Lạm phát hạ xuống còn 3% trong tháng 6. Tăng trưởng tiền lương, dù vẫn tăng, đã chững lại.

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đi lên trong phiên cuối tuần trước. Dow Jones và S&P 500 đã tăng trong ba tuần liên tiếp, riêng S&P 500 kết phiên ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

 

“Chúng ta đã chứng kiến khởi đầu của quá trình thiểu phát mà thị trường lao động không thực sự chịu tổn hại nào. Đó là một tin tốt”, Chủ tịch Jerome Powell phát biểu sau khi Fed nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm vào giữa tuần trước.

Ông Powell cho biết trong “kịch bản cơ bản”, lạm phát có thể quay về mức mục tiêu 2% của Fed mà “không xảy ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao”.

Nhiều nhà kinh tế, chuyên gia tài chính và chủ doanh nghiệp từng dự đoán điều ngược lại: lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ khiến các công ty phải sa thải nhân viên, những người mới thất nghiệp sẽ ngừng chi tiêu và nền kinh tế rõ ràng sẽ đi xuống.

Cố gắng giữ chân lao động

Mong muốn giữ chân người lao động của nhiều chủ doanh nghiệp hiện nay là một thay đổi đáng chú ý so với giai đoạn 2007 - 2009 và 2020, khi tình trạng sa thải diễn ra trên diện rộng và nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.

Ba năm trước, VendingONE - công ty chuyên cung ứng máy bán hàng tự động - có 37 nhân viên và phải cắt giảm hơn 50% để ứng phó với đại dịch. Khi doanh số phục hồi, họ nâng số lượng nhân viên lên 25 người.

Giờ đây, mặc dù hoạt động kinh doanh đã chững lại và khách hàng viện lý do lo ngại suy thoái kinh tế để đàm phán lại hợp đồng, VendingONE vẫn giữ nhân viên bằng cách đào tạo chéo họ và sử dụng công nghệ để giảm chi phí.

Công ty bắt đầu sử dụng phần mềm để lên lịch cho tài xế đến các máy cần bảo dưỡng hoặc sửa chữa, giúp nhân viên tốn ít thời gian di chuyển hơn. VendingONE cũng cơ cấu lại đơn hàng và dùng công nghệ để điều chỉnh tồn kho, giảm lãng phí.

“Chúng tôi đang cố gắng hoạt động hiệu quả hơn để không phải sa thải nhân viên”, ông Barry Rosenberg, chủ công ty, cho hay. Ông nhấn mạnh, việc giữ chân người lao động là điều đặc biệt quan trọng do số lượng nhân viên đã ít đi.

 

VendingONE không phải là trường hợp duy nhất tại Mỹ.

Theo khảo sát trên 670 doanh nhân mà công ty tư vấn Vistage Worldwide thực hiện cho WSJ, chỉ khoảng 7% chủ doanh nghiệp nhỏ có ý định cắt giảm nhân công trong năm nay.

Các chủ lao động này thường không muốn sa thải nhân viên, một phần vì mối quan hệ gắn kết giữa họ. Nhiều doanh nhân cho biết thêm rằng họ vẫn đang gặp khó khăn khi tuyển dụng người mới.

Doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đang tuyển dụng với tốc độ chậm hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn tạo thêm trung bình 278.000 việc làm mỗi tháng cho đến tháng 6 năm nay.

Việc sa thải nhân viên trong hầu hết các ngành nghề vẫn rất hiếm và tỷ lệ thất nghiệp đang ở gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.

Nhà kinh tế Erik Lundh của tổ chức phi lợi nhuận Conference Board cho biết người dân Mỹ sẽ ít phải thắt lưng buộc bụng nếu họ vẫn giữ được việc làm.

Trong bối cảnh tiêu dùng chiếm hơn 60% sản lượng kinh tế tại Mỹ, sức mạnh của người tiêu dùng có thể giảm bớt tác động của chiến dịch tăng lãi suất lên tăng trưởng.

Doanh nghiệp nhỏ hạn chế chi tiêu

Nhìn chung, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ đã tăng mạnh vào mùa xuân năm nay. Việc chính phủ đẩy mạnh rót vốn vào các nhà máy sản xuất chip và xe điện cũng góp phần thúc đẩy đầu tư.  

Tuy vậy, một số nhà kinh tế cho rằng đó chỉ là một cú hích nhất thời. Hơn 2/3 chủ doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vistage cho biết họ đã thực hiện các bước để cắt giảm chi phí trong 6 tháng qua và gần 50% dự định sẽ làm vậy trong tương lai.

Các biện pháp thường được áp dụng là tìm nguồn cung ứng mới, trì hoãn việc tuyển dụng, tạm ngừng hoặc giảm chi tiêu vốn, loại bỏ các sản phẩm và dịch vụ không sinh lãi.

Những cách làm này cho phép doanh nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn kinh tế bất ổn mà không cần sa thải nhân sự, đồng thời có thể sẵn sàng khi nền kinh tế phục hồi.

 

Ông Ethan Karp, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Magnet, cho biết: “Một vài năm trước, người ta đã biết là sẽ rất khó khăn khi sa thải nhân viên và sẽ càng vất vả hơn để khiến họ quay trở lại.

Bây giờ, nhiều chủ doanh nghiệp hiểu rõ rằng họ sẽ rất đau đầu khi phải sa thải nhân công và gần như không thay thế những người cũ [khi cần lao động trở lại]”.

Chia sẻ với WSJ, CEO Larry Anderson của công ty xây dựng Anderson Constructions đang tìm cách giữ cho 30 nhân viên bận rộn, ngay cả khi hoạt động kinh doanh chậm lại.

Ông Anderson đang hạn chế mua thiết bị và tạm ngưng tuyển dụng mới. “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để không cắt giảm nhân viên. Sa thải và sau đó đào tạo người mới sẽ tốn kém hơn nhiều”.

Các công ty lớn như Apple cũng đang tránh cắt giảm nhân sự. Đầu năm nay, CEO Tim Cook phát biểu: “Tôi coi việc cắt giảm nhân sự là phương sách cuối cùng”.

Khả Nhân