|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thử nghiệm vắc xin COVID-19 tích cực, cổ phiếu hãng dược Moderna tăng sốc

07:57 | 15/07/2020
Chia sẻ
Vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược Moderna đã tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong tất cả 42 bệnh nhân thử nghiệm ở giai đoạn ban đầu, đánh dấu kì tích mới giữa lúc Mỹ tiếp tục vật lộn với hàng loạt ca nhiễm mới.
Toàn bộ bệnh nhân dùng vắc xin ngừa COVID-19 thử nghiệm của Moderna đều sản sinh kháng thể - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

Bloomberg nhận định, phát hiện mới của Moderna nhiều khả năng sẽ làm tăng hi vọng về một loại vắc xin có thể sớm ra mắt thị trường. 

Vắc xin mRNA-1273 của Moderna sẽ chuyển sang giai đoạn thử nghiệm cuối trên một nhóm bệnh nhân lớn hơn vào cuối tháng này. Đợt thử nghiệm có thể quyết định liệu vắc xin có được các cơ quan quản lí Mỹ phê duyệt hay không.

Kết phiên giao dịch 14/7, giá cổ phiếu Moderna tăng 4,5%. Trong thời gian giao dịch ngoài giờ, cổ phiếu này tiếp tục nhảy vọt hơn 16%.

Kết quả đầy hứa hẹn

Kết quả ban đầu của Moderna xuất phát từ một nhóm 45 bệnh nhân đầu tiên. Hãng dược này tiến hành đánh giá ba liều vắc xin mRNA-1273 mà họ đưa vào cơ thể bệnh nhân theo chế độ hai mũi tiêm. Liều trung bình từ giai đoạn thử nghiệm ban đầu sẽ được dùng cho giai đoạn cuối của cuộc nghiên cứu, dự kiến bắt đầu vào ngày 27/7.

Trong giai đoạn thử nghiệm trên, tình nguyện viên sẽ nhận hai mũi vắc xin cách nhau 28 ngày. Sau liều đầu tiên, tất cả bệnh nhân đều tạo ra kháng thể liên kết với virus SARS-CoV-2, nhưng hầu hết chưa tạo ra kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus (kháng thể trung hòa).

Tuy nhiên, tất cả 42 bệnh nhân tiêm cả hai liều vắc xin đầu tiên đều tạo ra kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus, theo kết quả nghiên cứu.

Giai đoạn thử nghiệm cuối sẽ so sánh vắc xin mRNA-1273 với mũi tiêm giả dược (một loại thuốc không có tác dụng chữa bệnh nhưng được thông báo là thuốc thật) trên 30.000 người khỏe mạnh có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao.

Nghiên cứu của Moderna tồn tại một hạn chế lớn là chỉ bao gồm dữ liệu của 45 bệnh nhân đầu tiên, tất cả đều ở độ tuổi 18 - 55. Kết quả từ phần thứ hai của giai đoạn thử nghiệm 1 tính gộp các bệnh nhân lớn tuổi hơn - nhóm nhân khẩu chính cần vắc xin ngừa COVID-19 do tỉ lệ tỉ vọng ở độ tuổi này cao hơn, lại chưa được công bố.

Theo kết quả nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa New England, nồng độ kháng thể trung hòa trong thử nghiệm giai đoạn đầu của Moderna tương đương một nửa nồng đồ trong cơ thể bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 và phục hồi sau đó.

Mặc dù việc kích thích sản sinh ra kháng thể trung hòa không thể chứng minh vắc xin sẽ có hiệu quả, kết quả trên vẫn được coi là bước khởi đầu quan trọng của cuộc thử nghiệm.

Trong khi đó, tác dụng phụ của vắc xin mRNA-1273 không quá nghiêm trọng ở phần lớn bệnh nhân, theo Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID).

Hơn một nửa bệnh nhân ở giai đoạn giữa của ba liều tiêm chỉ bị mệt mỏi nhẹ đến trung bình, ớn lạnh, đau đầu và đau cơ. Ngoài ra, 40% trong nhóm này bị sốt sau liều vắc xin thứ hai. Ba trong 14 bệnh nhân tiếp nhận liều cao nhất (tức liều thứ ba) trải qua tác dụng phụ khá nghiêm trọng, tuy nhiên liều vắc xin này sẽ không được sử dụng trong giai đoạn về sau.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc NIAID, nói dữ liệu của Moderna "thực sự khá hứa hẹn". Ông Fauci cho rằng tác dụng phụ trong nghiên cứu mới đây không đáng báo động và thường thấy ở các loại vắc xin khác.

"Tin tốt là vắc xin tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2", ông Fauci nói. "Không phải loại nào khác mà là kháng thể trung hòa có thể vô hiệu hóa virus".

Tin tức về vắc xin rRNA-1272 của Moderna được công bố trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng trên khắp nước Mỹ. Theo dữ liệu của Đại học John Hopkins, Mỹ hiện báo cáo hơn 3,4 triệu ca nhiễm và hơn 136.000 ca tử vong.

Khả Nhân