|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình tổ chức theo chức năng (Functional organizational structure) là gì? Ưu và nhược điểm

17:32 | 03/10/2019
Chia sẻ
Mô hình tổ chức theo chức năng (tiếng Anh: Functional organizational structure) là hình thức tạo nên bộ phận trong đó các cá nhân hoạt động trong cùng một chức năng được hợp nhóm trong cùng một đơn vị cơ cấu.
Functional-Organizational-Structure

Hình minh hoạ (Nguồn: webmaxformance)

Mô hình tổ chức theo chức năng

Khái niệm

Mô hình tổ chức theo chức năng trong tiếng Anh được gọi là Functional organizational structure.

Cơ cấu tổ chức thể hiện hình thức cấu tạo của tổ chức, bao gồm sự phân chia tổng thể thành các bộ phận mang tính độc lập tương đối thực hiện những hoạt động nhất định. 

Việc hình thành các bộ phận của tổ chức phản ánh quá trình chuyên môn hoá và hợp nhóm hoạt động theo chiều ngang. 

Việc hợp nhóm các hoạt động và con người để tạo nên các bộ phận tạo điều kiện mở rộng tổ chức đến mức độ không hạn chế và đó cũng là cách để có được nguồn nhân lực thực hiện các mục tiêu kế hoạch.

Trong thực tế, các bộ phận có thể được hình thành theo những tiêu chí khác nhau, làm xuất hiện các mô hình tổ chức bộ phận khác nhau. Trong đó có thể kế tới mô hình tổ chức theo chức năng.

Mô hình tổ chức theo chức năng là hình thức tạo nên bộ phận trong đó các cá nhân hoạt động trong cùng một chức năng được hợp nhóm trong cùng một đơn vị cơ cấu. 

Ví dụ

Screen Shot 2019-10-03 at 5

Mô hình tổ chức bộ phận theo chức năng tại Công ty Chế tạo máy ABC

Theo hình trên, các bộ phận của công ty Chế tạo máy ABC được tổ chức theo chức năng marketing, kĩ thuật, sản xuất, tài chính và quản nguồn nhân lực.

Ưu và nhược điểm

Các ưu điểm của mô hình tổ chức theo chức năng là

Đơn giản, rõ ràng và mang tính logic cao

Có thể phát huy những ưu thế của chuyên môn hoá do các bộ phận theo chức năng tập trung vào những công việc có tính chất tương đồng, phát huy được lợi thế qui mô, giảm được sự trùng lắp trong hoạt động, đơn giản hoá đào tạo

Giữ được sức mạnh và uy tín của các chức năng cơ bản

Chú trọng hơn đến tiêu chuẩn nghề nghiệp và tư cách nhân viên

Tạo điều kiện cho kiểm tra chặt chẽ của cấp cao nhất

Nhược điểm của mô hình này là

Thường dẫn đến mâu thuẫn giữa các đơn vị chức năng khi đề ra các mục tiêu và phương thức hoạt động

Thiếu sự phối hợp hành động giữa các bộ phận

Chuyên môn hóa quá mức có thể tạo ra cách nhìn hạn hẹp ở các nhà quản lí

Có thể làm giảm tính nhạy cảm của tổ chức đối với sản phẩm, dịch vụ và khách hàng

Hạn chế việc phát triển đội ngũ các nhà quản lí chung

Đổ trách nhiệm về thực hiện mục tiêu chung của tổ chức cho cấp lãnh đạo cao nhất

Ở dạng thuần nhất, mô hình tổ chức bộ phận theo chức năng tương đối dễ hiểu và được hầu hết các tổ chức sử dụng trong một giai đoạn phát triển nào đó, khi tổ chức có qui mô vừa và nhỏ, hoạt động đơn lĩnh vực, đơn sản phẩm, đơn thị trường.

(Tài liệu tham khảo: Tổ chức và quản lí tổ chức, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi