Mang nền tảng bán hàng online không cần biết sản phẩm ra sao đi gọi vốn, startup từ chối 30 tỷ của Shark Hưng để về đội Shark Liên
CEO Founder Cuccu.vn Đỗ Xuân Thắng tới Shark Tank Việt Nam gọi vốn 3 tỷ đồng cho 8% cổ phần. Lấy ví dụ về mô hình kinh doanh social ecomerce (bán hàng trên mạng xã hội) đang rất phát triển, ở Trung Quốc có Pinduoduo và Yunji, trong vòng 3 năm được định giá 15 tỷ USD. Ấn Độ có Meesho - startup hỗ trợ phụ nữ kiếm thêm thu nhập đã định giá khoảng 2,1 tỷ USD.
Ông Thắng hi vọng Cuccu chiếm được khoảng 1 triệu đơn hàng trong số 60 triệu đơn hàng online mà các đơn vị giao hàng mang đi. Mục tiêu của Cuccu là giúp các cộng tác viên kiếm được 10 triệu thu nhập mỗi tháng, điều đó có nghĩa là mỗi tháng Cuccu có thể giúp giữ lại cho Việt Nam 1.000 tỷ đồng, thay vì để số tiền đó chảy ra nước ngoài thì Cuccu muốn nó rơi vào túi của người dân Việt Nam.
Khi Shark Louis hỏi về mức định giá mà Cuccu đưa ra, ông Thắng cho biết Cuccu đã chạy khoảng được gần một năm và mới chạy thử trong 3 tháng vừa rồi, mỗi tháng được 1.000 đơn, GVM (tổng khối lượng hàng hóa bán ra) rơi vào khoảng 200 triệu. Ngoài ra, Cuccu cũng đã gọi được vốn cho vòng đầu tiên với 2,5 tỷ đồng cho 10%, mức định giá đạt 25 tỷ USD. Hiện, Cuccu có khoảng 40.000 lượt tải và gần 300 cộng tác viên bán hàng mỗi tháng.
CEO Đỗ Xuân Thắng cho biết nguồn thu của Cuccu đến từ % các nhà cung cấp, thu tiền chiết khấu từ các đơn vị hỗ trợ như giao hàng, thanh toán và cuối cùng là thu tiền quảng cáo từ một nhóm sản phẩm nào đó.
Đây là một nền tảng trung gian giữa nhà cung cấp và cộng tác viên. Những người livetstream chỉ việc lên sóng và không phải lo đến vấn đề giao hàng, tồn kho, công nợ... khi đơn hàng thành công thì tiền sẽ được thu tiền về. Nhà cung cấp sẽ trả cho Cuccu 3%/giao dịch thành công.
Shark Bình phân tích về mô hình hoạt động của startup: “Đây là “chiến tranh nhân dân” trong phân phối hàng hóa. Ví dụ trước đây mỗi nhãn hàng muốn bán lẻ phải tiêu rất nhiều tiền quảng cáo cho Google, Facebook để bán hàng online. Thay vì tiêu tiền đó cho Google, Facebook thì chúng ta chia lại hoa hồng, chiết khấu cho các cá nhân để họ bán cho những mối quan hệ của họ”.
Xuân Thắng nhận định: “Bản chất bán hàng cộng tác viên đang diễn ra rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Ai cũng thích bán hàng, ai cũng thích làm ông chủ nhỏ”.
Giới thiệu thêm về ứng dụng Cuccu.vn, Nhà sáng lập cho biết: “Trên app này đã có rất nhiều nhà cung cấp…Và chỉ cần đặt đường link lên. Đường link là khác biệt rất lớn của Cuccu.vn. Chỉ cần đăng ký tài khoản là có sẵn website đấy rồi. Landing page hoàn toàn tự động được làm với template (bản mẫu) có sẵn, cộng tác viên có thể mua tên miền như một website của mình luôn”. Với mỗi đơn hàng thành công, cộng tác viên sẽ nhận được phần trăm nhất định tùy theo quy định của từng nhà cung cấp.
CEO Cuccu cho biết cộng tác viên có thể sử dụng module "Học viện online" có sẵn để tìm hiểu về tính năng, công dụng sản phẩm, cách bán hàng. Ngoài ra, sau khi được đầu tư, ôngThắng sẽ mở học viện, chương trình online để cùng nhà cung cấp đào tạo cho cộng tác viên bán hàng.
Shark Hưng và Shark Louis liên tiếp đặt câu hỏi để tìm hiểu về lý do gọi vốn 3 tỷ, bức tranh tài chính, số tiền đã đầu tư, dự kiến doanh thu, lợi nhuận…, CEO Đỗ Xuân Thắng cho biết đã đầu tư 1 tỷ, gọi vốn vòng đầu tiên 2,5 tỷ cho 10% cổ phần và đã sử dụng gần hết 3 tỷ.
Nói về kế hoạch phát triển ứng dụng nếu gọi vốn thành công 3 tỷ, ông Thắng cho biết Cuccu.vn sẽ triển khai theo chiến lược “chiến tranh nhân dân”. “Từng cộng tác viên, từng trưởng nhóm đi kiếm và có hoa hồng từ nó, mỡ nó rán nó… 3 tỷ có thể triển khai trong ít nhất 1 năm”, ông Thắng nói
CEO Cuccu chia sẻ thêm: “Trung bình mỗi đơn hàng 250.000 đồng, 3% thì sẽ có 7.500 đồng/đơn. 10.000 đơn chúng ta có khoảng 75 triệu. 100.000 đơn chúng ta đạt khoảng 750 triệu. Chỉ cần đạt mục tiêu 100.000 đơn thì có tiền mở rộng quy mô tiếp rồi”.
Trong vòng 3 năm tới, Cuccu đặt kỳ vọng đạt khoảng 300.000 đơn hàng đi qua hệ thống, tương đương hơn 2 tỷ doanh thu/tháng. Sau 3 năm đạt được khoảng 1 triệu USD. Lợi nhuận đạt khoảng 30% mỗi năm. Ông Thắng cũng chia sẻ thêm rằng giai đoạn đầu mình chưa dùng kiểm toán nhưng thực hiện rất bài bản về mặt kế toán.
Khi Shark Phú đặt ra câu hỏi về đối thủ cạnh tranh, thế mạnh của sản phẩm, CEO Cuccu cho biết, hiện tại có khoảng 5 ứng dụng tương tự. Điểm khác biệt là duy nhất Cuccu tạo cho cộng tác viên website tự động. Thứ hai là rút tiền trực tiếp. Toàn bộ đơn hàng liên kết với nhà cung cấp và khi hoàn thành đơn hàng là có thể rút tiền ngay. Trong khi đó, các đối thủ lại rút tiền theo tuần hoặc tháng.
Ông Thắng lý giải: “Công nghệ là sự bắt chước rất nhanh. Nhưng triển khai như thế nào, quy trình hóa ra sao, bản thân em có nhiều kinh nghiệm. Em có 7 năm làm agency về online marketing, 4 năm chuyên đào tạo về thương hiệu và marketing. Gần 4.000 doanh nghiệp, doanh nhân ở đó”.
Shark Liên cho rằng 7 năm không nói lên điều gì cả và đặt ra thử thách: “Giờ tôi cho bạn tệp khách hàng khoảng vài chục triệu bạn chả phải đi đâu cả, cứ vào đấy thôi. Bạn giữ bằng cách nào”?
Shark Hưng phân tích: “Đây là câu chuyện con gà quả trứng. Nếu bạn tiêu thụ hàng hóa tốt, nhiều nhà cung cấp sẽ lao vào. Ngược lại, trên đó nhiều hàng hot, giá ngon, trendy, khách hàng mới vào để mua”.
Shark Louis cũng đưa ra thắc mắc: “Làm sao em bảo vệ được nhà đầu tư? Ông khổng lồ bước vào họ sẽ thâu tóm và nuốt em dễ dàng”.
CEO Đỗ Xuân Thắng cho hay: “Chúng ta không dễ dàng bán mình nhưng nếu được giá chúng ta vẫn có thể bán. Các ông lớn nếu có thể mua với giá cao thì em nghĩ cũng là một khoản lợi nhuận cho các Shark”.
Nói thêm về chiến lược thoái vốn, Xuân Thắng cho biết: “Nếu như có những công ty lớn khác họ mua, các Shark có thể thoái vốn thuận lợi. Trong trường hợp phát triển lên thành nền tảng lớn… giống như Meesho ở Ấn Độ, họ có 1 tỷ dân, họ đạt 2,1 tỷ USD trong vòng 4 năm thì chúng ta nhỏ hơn 10 lần, ví dụ khoảng 200 triệu USD”.
“Khi bạn nói ra ý tưởng của bạn, tôi rất thích. COVID-19 càn quét rất khủng khiếp luôn, mất việc làm và đẩy người ta vào stress rất lớn. Thực sự chị cũng đang muốn giải pháp gì đó cho người mất việc làm”. Shark Liên đề nghị 3 tỷ cho 15% cổ phần.
Tuy nhiên, CEO Đỗ Xuân Thắng cũng muốn nghe thêm ý kiến của các Shark khác và thuyết phục Shark Louis: “Trên Cuccu.vn, toàn bộ phần thanh toán sẽ đi qua hệ thống ngân hàng. Em cũng mong muốn Shark Louis có thể hỗ trợ cho em khoản này. Bởi vì nếu chúng ta có hàng trăm nghìn cộng tác viên, rất nhiều giao dịch ở đấy, chúng ta có thể khai thác rất nhiều lợi ích ở đấy”.
Shark Louis cho biết đang làm với nhiều ngân hàng về cung cấp vốn cạnh tranh và đầu tư về đầu ra tốt cho xã hội, môi trường, quản trị kinh doanh. Shark Louis đánh giá “nếu được như vậy rất là tốt và sẵn sàng ủng hộ” nên đã đưa ra đề nghị 3 tỷ cho 12% cổ phần.
Shark Phú cho biết rất muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh online. Tuy nhiên Shark cũng băn khoăn vì startup chưa trả lời rõ về việc làm cách nào để thắng đối thủ và thu hút nhà sản xuất cũng như cộng tác viên.
Shark đặt ra câu hỏi: “Giờ em không gọi vốn được Shark Tank, em không gọi ai được, em hết sạch tiền thì làm thế nào?, vị cá mập cho rằng "trong kinh doanh, mình phải xác định cái rủi ro nhất”.
CEO Đỗ Xuân Thắng khẳng định: “Shark có thể tin tưởng ở em bởi em không phải lần đầu khởi nghiệp. Em đã khởi nghiệp rất nhiều rồi, đã thất bại rất nhiều, đánh đổi rất nhiều. Sau một thời gian làm agency, em có tiền mua nhà mua xe. Khi khởi nghiệp em sẵn sàng bán các thứ ấy đi. Em là người không sợ thất bại. Thất bại chính là những bước để em có thể thành công”.
“Cho đến thời điểm này, tinh thần khởi nghiệp của em vẫn vậy, vẫn tiếp tục như vậy trong 10, 20 năm tới. Nếu các Shark tiếp tục đầu tư vào Cuccu.vn cũng chính là đầu tư vào em”, CEO tự tin trả lời. Song, câu trả lời này chưa đủ thuyết phục nên Shark Phú quyết định không đầu tư.
Shark Bình đánh giá đây mô hình kinh doanh hay, “một cậu tí hon trở thành một ông khổng lồ trong ngành thương mại điện tử, đang giải quyết nỗi đau rất lớn của những người bán hàng online hiện nay là hầu hết phụ thuộc vào các nền tảng quảng cáo nước ngoài, Google, Facebook. Ngân sách rất lớn, khoảng 2 tỷ USD chảy ra nước ngoài”. Tuy nhiên, vì Cuccu.vn đã sử dụng hệ sinh thái của NextTech nên Shark Bình quyết định không đầu tư.
Shark Hưng nhận xét: “Đây là ý tưởng tốt, hợp xu hướng”. và chia sẻ “Hiện nay chúng tôi đang phát triển hướng tương tự thế này. Chúng tôi có hàng trăm ngàn bất động sản đang chào bán trên nền tảng đó. Các bạn cũng lấy hàng đi chào bán bình thường, giống như các bạn vậy. tôi rất thích. Tôi hiểu ngay cách các bạn lấy tiền ở đâu. Nhưng cái tôi gặp phải cũng là cái các bạn gặp phải, đó là việc vượt qua con gà quả trứng”.
Shark Hưng đề nghị tối thiểu 3 tỷ cho 25% cổ phần và nếu startup đạt KPI, Shark sẽ đầu tư tối đa 30 tỷ cho 45% cổ phần.
Startup cho rằng con số 45% hơi cao nhưng Shark Hưng cho rằng “nếu huy động mỗi lần vài tỷ thì khi nào có được 30 tỷ. Mà lúc đấy các bạn cũng mất đến 45% rồi, mất nhiều công”.
Ông Đỗ Xuân Thắng mong muốn mức định giá bằng các nhà đầu tư trước, ít nhất là 3 tỷ cho 12% cổ phần. Shark Liên phân tích: “Shark Phú từ chối đầu tư em vì không tin tưởng em có được cộng tác viên. Còn chị có sẵn cho em luôn, 36 triệu người dùng của chị”.
Shark Hưng nhận xét: “Tôi không quan tâm đến nền tảng có người dùng nhưng tôi hiểu về nền tảng này và bí quyết làm sao để vượt qua con gà quả trứng. Tất cả mô hình kinh doanh mà cứ phải con gà quả trứng rất là nguy hiểm. Rất khó vượt qua được vũ môn”.
Shark Louis lại đưa ra lợi thế của mình “Dù giá trị chênh lệch không nhiều nhưng đóng góp về hệ sinh thái của quỹ đầu tư và những ngân hàng sẽ hỗ trợ em mạnh mẽ hơn trong tương lai”.
“Nếu có thể hỗ trợ được các chị em phụ nữ thì đó là mục tiêu, sứ mệnh của Cuccu.vn. Và nó rất phù hợp với những gì Shark Liên đang làm", startup nói và ông Thắng đề nghị con số 3 tỷ cho 12% cổ phần. Shark Liên sau đó đã đồng ý.
"Dù ấn tượng với offer của Shark Hưng, Shark Hưng có nhiều kinh nghiệm nhưng mình mong muốn đồng hành cùng Shark Liên vì Shark Liên đang thực hiện sứ mệnh và đó là sứ mệnh mà Cuccu.vn cũng đang theo đuổi”, CEO chia sẻ.