|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thừa nhận startup không có gì mới, CEO người Mỹ vẫn nhận 4 tỷ đồng đầu tư từ Shark Hưng

07:03 | 21/06/2021
Chia sẻ
Nhận được lời mời đầu tư từ cả ba Shark, Aric Austin, CEO My Storage, chấp nhận đề nghị của Shark Hưng do rất quan tâm đến hệ sinh thái bất động sản của ông.

Trong tập 8 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ", ông Aric Austin mang đến startup kho lưu trữ cá nhân trọn gói đầu tiên tại Việt Nam mang tên gọi My Storage. Ông Aric Austin kêu gọi từ các nhà đầu tư 3 tỷ đồng để đổi lấy 10% cổ phần.

Thừa nhận startup không có gì mới, CEO Mỹ vẫn nhận 4 tỷ đầu tư từ Shark Hưng - Ảnh 1.

Ông Aric Austin, CEO My Storage, trong chương trình Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank)

Đúng như tên gọi của mình, My Storage cung cấp dịch vụ lưu kho đồ đạc cho cá nhân và doanh nghiệp với giá khởi điểm từ 696.000 đồng mỗi tháng, bao gồm cả chi phí vận chuyển. Để bắt đầu sử dụng dịch vụ, người dùng chỉ cần mở điện thoại lên, cung cấp một số thông tin như đồ vật muốn lưu trữ, thời điểm lấy hàng và đội ngũ My Storage sẽ đóng thùng, chuyển chúng đến nhà kho.

Trước khi chuyển đến Việt Nam, ông Eric Austin có thời gian dài sống ở Đức và thực tế ông vẫn di chuyển qua lại giữa hai quốc gia. Vì thế, ông phát sinh nhu cầu lưu trữ đồ đạc của mình. Từ trải nghiệm cá nhân, ông bắt đầu nghĩ đến một dịch vụ lưu trữ đồ đạc. Dù vậy, ông Eric Austin cũng thừa nhận My Storage không phải một ý tưởng mới và đã được triển khai ở rất nhiều quốc gia.

My Storage hiện tại đang cung cấp hai gói dịch vụ là Full Service (dịch vụ toàn diện) với toàn bộ các khâu đóng gói, vận chuyển và lưu trữ. Đối với khách hàng thường xuyên có nhu cầu lấy đồ và gửi thêm đồ, My Storage cung cấp dịch vụ Private Locker (tủ đồ cá nhân). Hiện tại, các diện tích lưu trữ tại Việt Nam của My Storage đang được startup này thuê lại từ các đối tác bên thứ ba với chi phí thuê chiếm khoảng 20% doanh thu.

My Storage bắt đầu được triển khai dưới dạng chứng minh khái niệm (proof of concept) vào tháng 8/2019. Sau khi nhận thấy dịch vụ được thị trường đón nhận khá nồng nhiệt, My Storage bắt đầu mở rộng. 

Đến nay, doanh thu của startup tăng trưởng từ 10% đến 15% mỗi tháng. Đến năm 2021, startup này đặt mục tiêu có doanh thu từ 250.000 USD đến 300.000 USD. Mức độ lấp đầy để đạt đến điểm hoà vốn của My Storage cũng dao động tới khoảng 75%. Dù vậy, ở địa điểm mới nhất của startup này, mức độ lấp đầy yêu cầu chỉ cần đạt từ 30% đến 40%.

Trả lời câu hỏi của Shark Liên về khả năng cạnh tranh nếu như có một công ty lớn hơn gia nhập thị trường, ông Aric cho rằng My Storage sẽ được hưởng lợi từ điều này bởi nó giúp tăng nhận diện dịch vụ đối với khách hàng. Ông cũng tự tin rằng đây là một mảng dịch vụ đã được chứng minh và quy mô trên toàn cầu có thể lên tới 20 tỷ USD.

Khi được hỏi về cách quản trị công ty, ông Aric thừa nhận hiện tại My Storage mới chỉ tập trung vào công nghệ về phía khách hàng để cải thiện trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ. Về phần vận hành, mọi thứ vẫn được thực hiện một cách thủ công.

Về cấu trúc công ty, bản thân ông Aric chỉ đầu tư một phần nhỏ (10.000 USD) vào công ty của mình và phần còn lại được đầu tư dưới dạng khoản vay (100.000 USD). Ông Aric và người đồng sáng lập của mình đang nắm khoảng 85% cổ phần công ty. My Storage có 5% cổ phần cho một đối tác là người Việt Nam để đảm nhận các vấn dề như tài chính và pháp lý. Trong khi đó, 10% còn lại của công ty thuộc về một nhà đầu tư giai đoạn đầu với mức đầu tư 75.000 USD.

Số vốn kêu gọi trong Shark Tank Việt Nam sẽ được dùng để đầu tư mở rộng công ty, cải thiện hoạt động marketing và công nghệ.

Sở hữu hệ sinh thái bất động sản và nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ như của My Storage, Shark Hưng là người đầu tiên đưa ra lời đề nghị đầu tư song ông muốn 3 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Shark Phú cũng đưa ra lời mời đầu tư 3 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Shark Phú quan tâm đến My Storage do có hệ sinh thái logistics. Về phần mình, Shark Liên từ chối đầu tư.

Shark Bình lại có quan điểm trái với các Shark còn lại về mô hình kinh doanh của My Storage. Ông cho rằng, ở Việt Nam, chi phí để thuê một căn hộ 20 mét vuông dao động trong khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí thuê 1 mét vuông diện tích sống chỉ khoảng 10 USD. Do đó, dịch vụ của My Storage là khá đắt. 

Bên cạnh đó, vì văn hoá người Việt Nam có thói quen giữ đồ ở nhà và dùng đồ cũ. Do đó, mặc dù mô hình của My Storage đã phổ biến ở các nước Phương Tây, ở Việt Nam, nó phù hợp hơn với những người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Ông Bình cũng không thích mô hình My Storage vì nó khó mở rộng thêm dưới quan điểm tương tự hình thức cho thuê bất động sản. Shark Bình quyết định không đầu tư.

Shark Louis Nguyễn thực hiện phân tích SWOT trước khi ra quyết định đầu tư. Về điểm mạnh, Shark Louis cho rằng những gì My Storage đang làm là khá thú vị. Mặc dù văn hoá dùng đồ cũ của người Việt Nam, startup này vẫn có cơ hội ở mảng lưu trữ bảo mật cho doanh nghiệp. Về điểm yếu, Shark Louis cho rằng rào cản thâm nhập thị trường không lớn khiến My Storage cần có sức mạnh về vốn. Ở khía cạnh cơ hội, lưu trữ là một thị trường rộng lớn song luôn có rủi ro đến từ cạnh tranh. Shark Louis đưa ra lời mời đầu tư tương tự Shark Phú.

Dù vậy, ông Aric dường như chỉ quan tâm đến lời mời đầu tư của Shark Hưng. Ông đưa ra mức đề nghị 3 tỷ đồng cho 15% cổ phần. Cuối cùng Shark Hưng và My Storage chốt lại ở mức đầu tư 4 tỷ đồng cho 25% cổ phần.

Nam Khánh