|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận ngành gạo quý II: Lộc Trời thua lỗ, Trung An và Vinaseed tiếp đà tăng trưởng

07:57 | 10/08/2022
Chia sẻ
Bước sang quý II, ngành gạo tiếp tục đối mặt với các thách thức như giá phân bón, chi phí vận chuyển, logistics tăng cao khiến một số doanh nghiệp hụt hơi. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị giữ được phong độ tăng trưởng.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo phân hoá

Kết thúc tháng 6, các doanh nghiệp ngành gạo lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II ghi nhận sự phân hoá khi một số doanh nghiệp tiếp tục bão lãi còn số khác lại đi lùi.

Cái tên đầu tiên trong nhóm duy trì lãi cao là Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, Mã: NSC) với doanh thu thuần quý II đạt 567 tỷ đồng, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế đạt 85,7 tỷ đồng, tăng 32% so với quý II/2021.  

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 894 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế đạt 136,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 123,2 tỷ đồng.

Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 2.150 tỷ đồng và lãi trước thuế 300 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, Vinaseed thực hiện gần 42% chỉ tiêu doanh thu và gần 46% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra hồi cuối tháng 4, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed, cho biết mặc dù xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới an ninh lương thực thế giới, dự báo hàng triệu người thiếu đói.

Tuy nhiên, thực tế Vinaseed không được hưởng lợi vì giá xuất khẩu chỉ tăng khoảng 5% trong khi giá đầu vào như chi phí nguyên liệu, logistic, phân bón tăng rất cao, người tiêu dùng vẫn có nhiều lựa chọn từ nguồn cung lương thực các nước khác với giá thấp. 

Với CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR), mặc dù doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 765 tỷ đồng, giảm 3,4% so cùng kỳ nhưng giá vốn giảm hơn 6% giúp lợi nhuận gộp tăng 31%, đạt 89 tỷ đồng. Khấu trừ các khoản chi phí, TAR báo lợi nhuận sau thuế quý II đạt 24 tỷ đồng, tăng hơn 41% so cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc TAR, cho biết sự tăng trưởng này chủ yếu do trong kỳ chi phí nguyên vật liệu sản xuất có giá thành tốt mang lại lợi nhuận gộp cao hơn so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty có doanh thu 1.723 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế 50,6 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được 49% kế hoạch về doanh thu và 47% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm. 

   Như Huỳnh tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.  

   Như Huỳnh tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.  

Trong khi đó, dù ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng cả CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) và  CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, Mã: AGM) đều ghi nhận thua lỗ do chi phí bào mòn lợi nhuận.

Cụ thể, trong kỳ Lộc Trời ghi nhận doanh thu tăng 30% lên 3.547 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,8% xuống 10,5%.  

Các khoản chi phí đều tăng cao như chi phí tài chính gấp đôi lên 116 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá, chi phí bán hàng tăng 31% lên 239 tỷ đồng dochi phí vận chuyển và xuất khẩu tăng, chi phí quản lý tăng 17% lên 88 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ sau thuế 46,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 47,3 tỷ đồng.   

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần gần 5.893 tỷ đồng, tăng hơn 15% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 138 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.   

Trong năm 2022, Lộc Trời đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 34,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Còn Angimex cũng ghi nhận mức lỗ ròng 10 tỷ quý II và 3 tỷ 6 tháng đầu năm 2022, chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. 

Theo giải trình của Angimex, trong quý II, công ty tiếp tục đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng mới và tăng lượng tiêu thụ cung ứng xuất khẩu giúp doanh thu thuần gấp đôi cùng kỳ, lên gần 1.362 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, do chi phí bán hàng, logistic tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Đồng thời, trong quý II, công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 27,5 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho Angimex lỗ ròng gần 10 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt hơn 2.381 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ, trong đó, chiếm chủ yếu là doanh thu bán hàng lương thực với hơn 1.988 tỷ đồng, gấp 2,8 lần và có thêm khoản doanh thu dịch vụ CNC (đầu năm không có). 

So với mục tiêu doanh thu hợp nhất khoảng 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng năm nay; Angimex đã thực hiện được gần 60% chỉ tiêu doanh thu và chưa đến 3% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường 2022, lãnh đạo công ty cho biết ngành lương thực đang đối mặt với các thách thức như chi phí đầu vào gia tăng (giá phân bón, chi phí vận chuyển, logistics tăng cao), trong khi tỷ suất lợi nhuận của lĩnh vực xuất khẩu gạo vào thị trường châu Á thấp và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng khốc liệt. Do đó, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là nhằm thích ứng với sự biến động của thị trường.

Các nước tăng cường tích trữ lương thực và cơ hội cho Việt Nam?

6 tháng đầu năm 2022, gạo là một trong 29 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tính đến cuối tháng 6, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt hơn 3,5 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và thu về hơn 1,72 tỷ USD, tăng 4,6%. 

Như vậy, so với mục tiêu 6,3 - 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu và 3,3 - 3,4 tỷ USD giá trị thu về trong năm nay, ngành hàng đã thực hiện được hơn 55% mục tiêu về lượng và hơn 52% kế hoạch về kim ngạch sau nửa đầu năm. 

   (Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhận định nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt khi nhiều quốc gia vẫn tăng dự trữ trước lo ngại của xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo lớn cùng với Thái Lan, Ấn Độ.

Tuy nhiên, Chủ tịchHiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược và sự điều chỉnh phù hợp.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, khi nhu cầu gạo từ Philippines ngày càng tăng, cùng với nhu cầu nhập khẩu trở lại từ Trung Quốc.

Cụ thể, tiêu thụ gạo ở Philippines đang tăng do giá lúa mì tăng cao, bên cạnh đó, sản lượng gạo  của Phillippines được dự báo đi ngang (tăng 2% so với cùng kỳ theo dự báo của USDA) đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu. Do đó, Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021-2022, được cho là sẽ hưởng lợi.

Với Trung Quốc, thị trường này cũng được dự báo sẽ quay trở lại nhập khẩu gạo ngày càng nhiều trong giai đoạn nửa cuối năm. Nguyên nhân chính là các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô. 

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp gạo sẽ có thêm cơ hội trúng nhiều gói thầu với giá trị cao trong thời gian tới.

Và để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp đã liên tục đầu tư, nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu của các thị trường khó tính.

Đơn cử, Lộc Trời có kế hoạch xây dựng vùng nếp nguyên liệu với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cao xuất khẩu đi châu Âu...

Hay với Trung An, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo chất lượng cao hướng hữu cơ vào các thị trường như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc… với kim ngạch tối thiểu 800 triệu USD/năm. 

Như Huỳnh