|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

EVN lỗ hơn 16.500 tỷ đồng nửa đầu năm

15:58 | 18/09/2022
Chia sẻ
Theo EVN, giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm đến nay như than hay dầu brent.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy doanh thu thuần của tập đoàn tăng tăng 5% so với cùng kỳ lên 221.231 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 17% lên 225.448 tỷ nên tập đoàn lỗ gộp hơn 4.216 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp gần 19.560 tỷ đồng.

Trong kỳ, phần lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện đã giúp tập đoàn ghi nhận doanh thu tài chính tăng trưởng 7% so với 6 tháng năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính (đa số là chi phí lãi vay) khiến tập đoàn tốn 8.113 tỷ đồng, tăng 2%.

Trừ đi các chi phí khác, EVN lỗ sau thuế 16.586 tỷ đồng trong nửa đầu năm, riêng công ty mẹ lỗ ròng 17.358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 6.539 tỷ. Điều này khiến tổng mức lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 6.193 tỷ đồng.

(Đvt: Tỷ đồng).

Trong báo cáo tình hình hoạt động tháng 7 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 8/2022, EVN giải thích từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (than, dầu, khí) tăng cao đột biến nên tình hình tài chính của tập đoàn vẫn gặp khó khăn.

Theo EVN, giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm đến nay như than hay dầu brent.

EVN ước tính giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 ở mức 1.915,59 đồng/kWh, cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019 là 1.844,64 đồng/kWh.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của EVN đạt trên 673.157 tỷ đồng, giảm 32.245 tỷ đồng so với đầu năm, tức giảm gần 5%, trong đó phần lớn do tiền gửi ngân hàng giảm 19% về 75.718 tỷ. Nửa đầu năm, tiền gửi và tiền cho vay đem về cho EVN số tiền hơn 1.865 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tập đoàn đi vay tổng cộng hơn 327.500 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng nguồn vốn và hầu như là đi vay dài hạn. 6 tháng đầu năm, EVN phải trả hơn 6.529 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.