|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lời đe dọa hạn chế nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc thực sự nghiêm trọng đến đâu?

21:05 | 31/05/2019
Chia sẻ
Lời đe dọa ngăn chặn xuất khẩu khoáng sản đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ có thể khiến cuộc chiến thương mại đang leo thang trở nên căng thẳng hơn khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tìm kiếm lợi thế cho riêng mình.

Hôm 29/5, hãng thông tấn của Trung Quốc chính thức cảnh báo Mỹ rằng quốc gia châu Á sẽ giảm khoáng sản đất hiểm như một biện pháp trả đũa trong cuộc chiến thương mại leo thang. 

Khoáng sản đất hiếm gồm 17 nguyên tố xuất hiện ở nồng độ thấp trong lòng đất, như cerium, europium và lutetium. Các khoáng sản này thường được sử dụng trong một loạt sản phẩm tiêu dùng, từ ô tô và đồ điện đến lọc dầu và làm sạch diesel, cũng như hệ thống vũ khí lớn Mỹ phụ thuộc để bảo vệ quốc gia, gồm laser và radar.

Khoảng 35% dự trữ đất hiếm toàn cầu nằm tại Trung Quốc, nhiều nhất trên thế giới, và quốc gia châu Á là một cỗ máy khai thác thực sự, sản xuất 120.000 tấn (tương đương 70% tổng đất hiếm trong năm 2018), theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). 

Trong khi đó, Mỹ khai thác 15.000 tấn đất hiếm trong 2018 và có tổng cộng 1,4 triệu tấn dự trữ, so với 44 triệu tấn của Trung Quốc.

Lời đe dọa hạn chế nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc thực sự nghiêm trọng đến đâu? - Ảnh 1.

Tiêu thụ hợp chất và kim loại đất hiếm của Mỹ phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đã tăng tới 160 triệu USD trong năm 2018, theo USGS. Trong đó, 8% nguồn cung đến từ Trung Quốc.

Khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, dù nguồn cung từ các quốc gia khác sang Mỹ gồm Estonia (6%), Pháp (3%) và Nhật Bản (3%), hầu hết nguyên liệu của họ đến từ khoáng chất cô đặc và hợp chất hóa học sản xuất tại Trung Quốc, theo ông Hui Shan, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Goldman Sachs.

"Sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung từ Trung Quốc có thể nhiều hơn dữ liệu nhập khẩu chỉ ra", ông Shan cho biết trong một lưu ý hôm 29/5.

Lời đe dọa hạn chế nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc thực sự nghiêm trọng đến đâu? - Ảnh 2.

Với sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung Trung Quốc, lời đe dọa hạn xuất khẩu có thể ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp gồm cả thiết bị công nghệ cao, ô tô, năng lượng sạch và vũ khí. Một ví dụ điển hình là nguyên tố lantan.

"Ngành công nghiệp thủy tinh là người tiêu thụ đất hiếm lớn nhất. Ví dụ, lantan chiếm tới 50% ống kính máy ảnh kĩ thuật số, gồm cả máy ảnh điện thoại di động. Ô tô điện sử dụng phấn lớn lantan để sản xuất pin, khoảng 10 - 15 kg/chiếc xe", ông Michael Widmer, chiến lược gia kim loại tại Ngân hàng Mỹ, cho biết trong một lưu ý. 

"Tương tác nguy hiểm"

Nguyên liệu đất hiếm cũng rất quan trọng đối với hệ thống phòng thủ Mỹ vì chúng được sử dụng trong laser, radar, sonar, hệ thống nhìn đêm, dẫn đường tên lửa, động cơ phản lực và ngay cả hợp kim dùng cho xe bọc thép. Tất cả thiết bị này được Mỹ sử dụng cho an ninh quốc phòng.

Hôm 29/5, Lầu Năm Góc đã trình một báo cáo lên Quốc hội Mỹ về khoáng sản đất hiếm trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Động thái này được đưa ra sau khi tờ People's Daily cảnh báo Trung Quốc sẽ giảm nguồn cung đất hiếm. 

"Đứng nói chúng tôi không cảnh báo", hãng thông tấn đăng tải.

Trong một báo cáo năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ, sự thống trị của Trung Quốc đối với các nguyên tố đất hiếm đã được nhấn mạnh vì nó cho thấy mối tương tác nguy hiểm tiềm tàng giữa sự tấn công kinh tế của Trung Quốc bằng các chính sách công nghiệp chiến lược, những lỗ hổng và sự nhạy cảm của cơ sở công nghiệp sản xuất và quốc phòng Mỹ.

"Trung Quốc đã làm ngập thị trường toàn cầu một cách chiến lược với các loại đất hiếm ở mức giá được trợ cấp, loại bỏ đối thủ cạnh tranh và ngăn chặn những người mới tham gia thị trường", báo cáo cho biết.

Những nhà cung cấp không đến từ Trung Quốc

Trong khi Trung Quốc vẫn là nhà thống trị trên thị trường đất hiếm, sản xuất bên ngoài quốc gia châu Á cũng đang gia tăng, theo đó có thể mang đến cho Mỹ một số lựa chọn thay thế, theo Credit Suisse.

Hôm 30/5, Manish Nigam, nhà phân tích vốn chủ sở hữu của Credit Suisse, cho biết sản xuất không đến từ Trung Quốc đã lên đến khoảng 29% sản lượng toàn cầu, từ mức chỉ 3% trong năm 2009.

"Một cơ sở của Mỹ nằm trong kế hoạch hồi sinh từ năm ngoái, và một liên doanh Australia/Malaysia (Lynas) hoạt động đầy đủ có công suất lớn hơn toàn bộ nhu cầu của Mỹ, mặc dù việc xử lý một số oxit vẫn được thực hiện ở Trung Quốc", ông Nigam nói.

Tác động của lệnh cấm xuất khẩu sẽ phần nào được khuếch tán trên các lĩnh vực của Mỹ và quốc gia khác, ông Nigam nói và lưu ý xe điện và năng lượng sạch sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Lyly Cao