Liệu các nhà tài phiệt Nga có thể giúp kết thúc cuộc chiến tại Ukraine?
Ý tưởng của phương Tây
Trước hành động của Nga tại Ukraine, hàng chục quốc gia trên thế giới đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tổ chức tài chính của Nga, trong đó có Ngân hàng Trung ương Nga. Phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga, đe dọa đẩy cuộc sống của những người Nga bình thường vào cảnh hỗn loạn.
Giới siêu giàu của Nga cũng trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt, thường là chỉ đích danh. Những biệt thự bỏ trống ở Địa Trung Hải, những chiếc siêu du thuyền tìm kiếm bến đậu mới và hàng tỷ USD tài sản bị tịch thu chỉ là một trong số ít vấn đề đau đầu mà họ hiện phải đối mặt.
Tuy nhiên, việc rà soạt khối tài sản của các tài phiệt Nga và tịch thu chúng là một bài toán khó với các chính phủ phương Tây.
Giới thượng lưu của Nga đã dành nhiều thập kỷ để cất giữ tài sản trong các tổ chức tài chính, thị trường bất động sản của phương Tây.
Điều này khiến tầng lớp tinh hoa của phương Tây đôi khi cảm thấy khó khăn khi thực hiện các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Joe Biden trong Thông điệp Liên bang năm 2022 đã cho biết: "Bộ Tư pháp Mỹ đang tập hợp một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách để truy quét tội ác của các nhà tài phiệt Nga".
Ông Biden hứa: “Chúng ta đang cùng với những đồng minh châu Âu tìm kiếm và thu giữ du thuyền, căn hộ sang trọng và máy bay riêng của giới tài phiệt Nga Chúng ta sẽ truy đuổi những tài sản bất chính của họ”.
Theo giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học New Haven - ông Matthew Schmidt, phương Tây trừng phạt các tài phiệt Nga với giả định là nhóm này sẽ bị tổn hại về mặt tài chính, và những thiệt hại đó sẽ thúc đẩy họ kêu gọi Tổng thống Putin phải dừng cuộc chiến.
Tuy nhiên, ông Schmidt cho rằng đây là một ý tưởng hồ đồ, vì “Tổng thống Putin lên nắm quyền một phần cũng bởi ông đã khuất phục được những nhà tài phiệt trong nước”.
Định nghĩa “tài phiệt” nổi lên vào những năm 1990, khi các doanh nhân trẻ nắm quyền lực bằng cách tiếp quản các công ty độc quyền nhà nước mới được tư nhân hóa vào cuối thời Liên Xô.
Theo USA Today, tầng lớp tài phiệt Nga được cho là những người tích lũy tài sản và thống trị nền kinh tế địa phương thông qua tham nhũng và ép buộc.
Giáo sư Schmidt cho biết: "Ông Putin đã đề nghị với giới tinh hoa một thỏa thuận: từ bỏ tiền hoặc từ bỏ quyền lực chính trị. Sau đó, ông đã xua đuổi tất cả những ai vẫn muốn nắm quyền lực chính trị trong tay".
Liệu ý định của phương Tây có thành công?
Chính quyền ông Biden và các đồng minh hy vọng rằng giới tài phiệt Nga sẽ thấy viễn cảnh một nước Nga bị cô lập nghiêm trọng là không mấy vui vẻ. Từ đó, họ có thể thúc đẩy một tương lai không có ông Putin hoặc ngăn cản cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.
Dù vậy, với sức mạnh và quyền lực to lớn của ông Putin, có thể thấy các lệnh trừng phạt nhắm vào giới tinh hoa Nga khó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của ông chủ Điện Kremlin.
"Tầng lớp tài phiệt sẽ xem ý định thuyết phục ông Putin là hoàn toàn liều lĩnh", ông Max Bergmann, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận định.
Vị chuyên gia nói thêm: "Mục đích của các biện pháp trừng phạt là gây ra một số vấn đề nghiêm trọng cho Tổng thống Putin tại quê nhà. Điều đó có thể khiến Nga phải thu hồi lực lượng tại Ukraine để giảm căng thẳng".
Trong khi đó, người dân Nga sẽ cảm nhận được nỗi đau từ những biện pháp trừng phạt kinh tế. Giáo sư Schmidt lưu ý, nhiều người Nga vẫn còn nhớ sự sụp đổ kinh tế của những năm 1990...
Hàng nghìn người đã tập trung tại các thành phố trên khắp nước Nga, bao gồm cả ở Moscow và St. Petersburg, để phản đối chiến tranh. "Cuộc chiến này bắt đầu ở Ukraine nhưng sẽ kết thúc trên đường phố của Nga. Không còn cách nào khác", giáo sư Schmidt nói.