|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc dòm ngó khoảng trống mà doanh nghiệp dầu khí phương Tây để lại ở Nga?

15:03 | 11/03/2022
Chia sẻ
Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và sự tẩy chay từ phương Tây, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã rút khỏi thị trường Nga. Trung Quốc, với sự thèm khát năng lượng của mình, đang cố gắng lấp đầy khoảng trống đó.

Khoảng trống Trung Quốc thèm muốn

Sau nhiều biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga, Moscow đã tiến hành các biện pháp trả đũa. Trong một động thái mới nhất, Đảng nước Nga Thống nhất đã đưa ra đề xuất quốc hữu hóa những doanh nghiệp nước ngoài mới tuyên bố rời khỏi Nga. 

Nếu đề xuất trên được thông qua, những doanh nghiệp phương Tây bị quốc hữu hóa có thể được bán lại cho Trung Quốc với giá rất hời. 

Hơn nữa, các công ty phương Tây rút khỏi Nga do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine cũng tạo ra một khoảng trống mà giới doanh nghiệp Trung Quốc đang rất có hứng thú để lấp đầy. Đặc biệt, Trung Quốc rất quan tâm tới các dự án về dầu, khí đốt và kim loại.

Khoảng trống doanh nghiệp dầu khí phương Tây để lại ở Nga sẽ bị Trung Quốc 'nuốt trọn'? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin "tay bắt mặt mừng" tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, ngày 4/2/2022. (Ảnh: Reuters).

Gần đây, Bloomberg trích dẫn một nguồn giấu tên cho biết, trong bối cảnh các công ty châu Âu và Mỹ rời khỏi Nga, doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách thế chỗ. Thực sự việc Trung Quốc lấp chỗ trống do phương Tây để lại chỉ là vấn đề thời gian. Quy luật tự nhiên ghét bỏ chân không, và kinh doanh cũng vậy.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Trung Quốc cũng khá thực dụng, không giống như các đối tác và đối thủ phương Tây. Vì vậy, sau khi BP, Shell và hầu hết tất cả các doanh nghiệp nước ngoài trừ TotalEnergies rời Nga, các công ty năng lượng do chính phủ Trung Quốc sở hữu đã bắt đầu xem xét việc tìm đến Nga.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh đang nói chuyện với 4 doanh nghiệp nhà nước về việc mua lại cổ phần trong các công ty dầu mỏ và kim loại của Nga. Các doanh nghiệp này bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), cũng như Tập đoàn Nhôm và Tập đoàn Minmetals Trung Quốc.

Theo đưa tin của Bloomberg, các cuộc đàm phán cũng đang diễn ra giữa một số công ty Trung Quốc và Nga. Còn quá sớm để nói liệu các cuộc thương lượng có đạt kết quả khả quan nào hay không, nhưng dường như cơ hội thành công là khá cao.

Oilprice.com nhận xét, đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về việc đôi bên cùng có lợi: Trung Quốc cần nguyên liệu để tăng trưởng; Nga có nguyên liệu thô và cần tiền.

Mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc còn mang đến một kết quả không mong muốn với Mỹ. Nếu doanh nghiệp của đất nước tỷ dân tới Nga, họ sẽ tăng cường giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, qua đó làm suy yếu sự thống trị của đồng bạc xanh và theo thời gian, loại trừ Nga và Trung Quốc khỏi ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.

Phương Tây tiếp sức cho Trung Quốc

Trang Axios đưa tin vào đầu tuần này, Moscow đã chấp nhận nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho hàng hóa xuất khẩu của mình sang Trung Quốc, đồng thời các công ty Nga cũng đang gấp rút mở tài khoản ngân hàng tại nước bạn.

Một số ngân hàng Nga cũng đang xem xét chuyển sang hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc sau khi Visa và Mastercard ngừng hoạt động. Việc các công ty Trung Quốc mua lại cổ phần các doanh nghiệp dầu mỏ và kim loại rời đi càng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống thanh toán.

Các nhà phân tích đã đề cập đến nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong nhiều năm. 

Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch khuếch trương tầm ảnh hưởng ra toàn cầu của Bắc Kinh.

Và có vẻ như những gì các chính phủ phương Tây đang làm đã tạo điều kiện cho sự bành trướng của Trung Quốc.

Làn sóng trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhằm trừng phạt Điện Kremlin, và người dân Nga, vì cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, một hậu quả rất không mong muốn của sự trừng phạt đó là đẩy Nga và Trung Quốc tới gần nhau hơn.

Trung Quốc dòm ngó khoảng trống mà doanh nghiệp dầu khí phương Tây để lại ở Nga? - Ảnh 4.

Ở diễn biến khác, Trung Quốc có nhu cầu năng lượng vô cùng lớn, và nước này không hề từ chối sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu riêng.

Khác với các chính phủ ở châu Âu và Mỹ, Trung Quốc không quá vội vàng trong việc giảm lượng khí thải. Trung Quốc đặt mục tiêu phải tới năm 2060 thì phát thải ròng mới bằng 0.

Và nếu Nga, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, bán dầu với giá chiết khấu, thì mọi thứ sẽ càng có lợi cho người mua Trung Quốc.

Chẳng hạn, nếu các công ty Trung Quốc thay thế gã khổng lồ BP của Anh trở thành cổ đông của Rosneft, thì lợi ích mà Bắc Kinh đạt được còn lớn hơn nữa.

Các chuyên gia hẳn còn nhớ cổ phần của Rosneft là thứ duy nhất giúp BP không rơi vào tình trạng thua lỗ trong thời kỳ suy thoái dầu mỏ vừa qua, nhờ vào chế độ thuế của Nga và tỷ giá hối đoái đồng rúp/USD.

Kim loại cũng là như cầu quan trọng đối với hoạt động công nghiệp, tương tự như dầu và khí đốt. Trung Quốc đã chiếm ưu thế trong một số loại khoáng sản quan trọng như đất hiếm. Và sẽ chẳng mất gì nếu Trung Quốc tăng thêm ưu thế đối với nhôm và niken.

Minh Quang