|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các đại gia năng lượng thấp thỏm lo sợ giá dầu lên 200 USD/thùng

14:57 | 10/03/2022
Chia sẻ
Việc dầu mỏ Nga bị cô lập khỏi thị trường toàn cầu có khả nâng kéo giá lên 200 USD/thùng trong năm nay. Tổng Thư ký OPEC cảnh báo thế giới không có đủ công suất để bù đắp sản lượng dầu của Nga.
Các đại gia năng lượng thấp thỏm lo sợ giá dầu lên 200 USD/thùng - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Financial Times).

Thảm họa mới 

Hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp đã tập trung về Houston, "thủ đô dầu lửa thế giới" cho hội nghị năng lượng hàng năm CERAWeek. Tại đây, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã đưa ra cảnh báo u tối tới những người tham dự. 

OPEC đã chứng kiến 7 chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ đầy đau đớn của thị trường dầu mỏ kể từ khi thành lập vào năm 1960, và ông lo ngại cuộc khủng hoảng liên quan tới Nga sẽ tạo ra "thảm họa tương tự".

Bình luận của Tổng thư ký OPEC được đưa ra trong một ngày rất đáng chú ý. Để trả đũa cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn lên dầu thô và khí đốt của Nga. Anh cũng tuyên bố sẽ làm theo trong vài tháng tới.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) công bố chiến lược năng lượng mới để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. EU cam kết cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trước cuối năm nay và ngưng hoàn toàn "trước năm 2030", tờ Economist đưa tin. 

Ông Putin phản ứng bằng cách đe dọa hạn chế xuất khẩu hàng hóa tới một số nước. Giá dầu thô Brent nhanh chóng vọt lên trên 130 USD/thùng. Ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch của S&P Global, tóm tắt: "Khi mọi chuyện kết thúc, dù kết quả thế nào đi nữa, ngành dầu mỏ cũng sẽ rất khác".

Trong ngắn hạn, phương Tây có thể phải quay sang ủng hộ các công ty dầu mỏ lớn. 

Nguy cơ giá dầu tăng sốc đã khiến chính quyền thân thiện với môi trường của ông Biden chuyển sang nhờ cậy sự giúp đỡ từ những gã khổng lồ năng lượng của nước Mỹ. 

Các quan chức Nhà Trắng lặng lẽ khuyến khích các công ty sản xuất nhiều dầu thô hơn để bù đắp cho việc mất nguồn cung từ Nga.

Nga từng được coi là đối tác tin cậy. Giờ đây, ông Yergin nói, "Nga không được tin cậy và thâm chí còn không được ai ưa".

Nếu dầu thô Nga trở thành thứ nằm ngoài tầm tay, giá dầu thô có thể đạt 200 USD/thùng trong năm nay, các sếp lớn ngành dầu mỏ suy đoán. Họ sợ rằng khủng hoảng Nga - Ukraine có thể gióng lên tiếng chuông báo đáng ngại cho ngành dầu mỏ.

Chiến lược mới của EU dồn lực vào các nguồn năng lượng sạch hơn. Giá xăng dầu quá cao và biến động mạnh kéo dài có thể khiến người tiêu dùng trở nên xa lánh nhiên liệu hóa thạch, nhà đầu tư lo âu và cho giới chính trị gia Mỹ cái cớ để tăng tốc xu hướng chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

"Không ai có thể thay thế Nga"

Ông Antoine Halff, nhà phân tích chính của công ty dữ liệu Kayrros, xác nhận rằng người mua châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đang "không động tay vào dầu thô Nga".

Công cụ theo dõi của Kayrros cho thấy lượng dầu thô phải quá cảng đã tăng mạnh trong hai tuần qua. Ông Halff nói điều này cho thấy tàu chở dầu của Nga đang bị từ chối cập cảng và phải tìm kiếm người mua mới. T

ổng cộng, ông ước tính 3 triệu thùng dầu thô Nga mỗi ngày có thể bị cô lập khỏi thị trường. Để so sánh, trước khi chiến sự với Ukraine nổ ra, Nga cung cấp khoảng 4,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Rõ ràng, trong lúc này mọi người đang trông cậy vào OPEC để bù đắp số dầu đó. Nhưng ông Barkindo đã dội gáo nước lạnh lên ý tưởng này. Ông tuyên bố "không ai có thể thay thế" nguồn cung của Nga, ước tính lên đến 8 triệu thùng mỗi ngày tính cả các sản phẩm dầu. Ông nói ngắn gọn: "Thế giới không có công suất lớn đến vậy".

Nếu OPEC không thể ra tay thì đại gia dầu đá phiến của Mỹ thì sao? Sau cú sụp đổ vài năm trước, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong năm nay, có thể thêm 750.000 thùng mỗi ngày. Nhưng kể cả tăng cường sản xuất hơn nữa cũng không đủ để bù đắp cho dầu thô của Nga.

Ông Scott Sheffield, CEO công ty dầu Mỹ Pioneer Natural Resources cho biết giả như chính quyền ông Biden có thay đổi suy nghĩ về nhiên liệu hóa thạch thì ngành dầu đá phiến cũng chỉ có thể tăng sản lượng lên 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong 18 tháng tới.

Giải pháp còn lại là các kho dự trữ chiến lược. Tuần trước, các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông báo sẽ giải phóng khoảng 60 triệu thùng dầu dự trữ, tương đương 4% tổng trữ lượng. Ngày 9/3, IEA tuyên bố sẵn sàng tung thêm dầu ra thị trường.

Chuyên gia phân tích Halff cho rằng việc giá dầu tăng sau thông tin IEA giải phóng 60 triệu thùng hàng cho thấy đây chỉ là "một con số nhỏ..." 

Song, về mặt lý thuyết, nếu IEA giải phóng khoảng 120 triệu thùng dầu thì sẽ khả thi hơn, với tốc độ 2 triệu thùng mỗi ngày hoặc hơn. Ông kêu gọi giải phóng ngay lập tức 120 triệu thùng trong tháng này, 120 triệu thùng khác vào tháng sau và nhiều hơn nữa nếu cần thiết.

Các đại gia năng lượng thấp thỏm lo sợ giá dầu lên 200 USD/thùng - Ảnh 3.

Kể cả nếu khủng hoảng Nga-Ukraine sớm kết thúc, thế giới vẫn có thể mắc kẹt với một thị trường dầu mỏ bấp bênh, rời rạc và đầy biến động trong nhiều năm tới.  

Nỗi sợ của các ông trùm dầu mỏ hiện rõ tại hội nghị ở Houston, họ ưa thích cung và cầu của dầu tương đối ổn định. Ông Bob Dudley, cựu CEO đại gia năng lượng BP của Anh thuật lại với tờ Economist: "Tôi chưa từng thấy nhóm nào bi quan hơn đám người ở Houston".

Ông Jack Fusco, CEO Cheniere, công ty xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất nước Mỹ nhắc nhở các đồng nghiệp: "Sự hỗn loạn mới chỉ bắt đầu".

Giang