|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia Trung Quốc tự tin GDP sẽ vượt Mỹ vào năm 2030

15:35 | 10/03/2022
Chia sẻ
Bất chấp những ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và dịch COVID-19 tới nền kinh tế, Trung Quốc vẫn tự tin duy trì mức tăng trưởng GDP cao và vượt qua Mỹ vào năm 2030.
Chuyên gia Trung Quốc tự tin GDP sẽ vượt Mỹ vào năm 2030 - Ảnh 1.

Trung Quốc duy trì tăng trưởng GDP cao hơn Mỹ trong hàng thập kỷ.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một cố vấn cao cấp của Bắc Kinh cho biết việc nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trái phiếu và chiến sự tại Ukraine sẽ không ngăn nổi bước tiến của Trung Quốc để vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Cuộc tấn công của Nga diễn ra vào thời điểm sức ép kinh tế, gia tăng căng thẳng giữa phương Tây với Trung Quốc và những bất ổn đến từ chiến sự tại Ukraine cũng như dịch bệnh COVID.

Xung đột tại Ukraine sẽ không cản bước Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2030 - Ảnh 1.

Cựu Phó giám đốc Ngân hàng Thế giới, ông Justin Lin Yifu đang phát biểu. (Ảnh: Simon Song).

Ông Justin Lin Yifu, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Quốc tế, nay là giáo sư tại Đại học Bắc Kinh: “Tôi khá tự tin vào dự đoán của mình rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030”.

“Xung đột Nga-Ukraine sẽ có ảnh hưởng đến Trung Quốc, và đồng thời cả Mỹ. Tất cả các quốc gia đều sẽ tăng trưởng chậm hơn”

Washington và đồng minh đã tăng cường các lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm cả loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT. Mỹ đã ngừng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, song châu Âu chưa áp dụng biện pháp này.

Vào ngày 7/3, dầu Brent tăng tới mức kỷ lục trong 13 năm là 139 USD một thùng, tạo ra bất ổn lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Niềm tin tăng trưởng mạnh mẽ

Ông Lin là một cựu sĩ quan của Đài Loan đào ngũ sang đại lục vào năm 1979, ông tin rằng lạm phát ở Trung Quốc sẽ không ở mức quá cao dù giá nhiên liệu và lương thực tăng.

Vào ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt mục tiêu lạm phát giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc ở “khoảng 3%”. Vào ngày 9/3, Trung Quốc đưa ra thống kê CPI tháng 2 tăng 0,9%, tương tự như cùng kì năm ngoái.

“Chúng tôi hi vọng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc. Nếu vậy, ảnh hưởng [tới nền kinh tế Trung Quốc] sẽ được hạn chế”, ông Lin nói.

Tuy nhiên, một dấu hiệu không chắc chắn đã len lỏi vào thị trường trái phiếu Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện động thái hiếm hoi là bán ròng 67 tỷ nhân dân tệ (10,6 tỷ USD) trái phiếu đang nắm giữ vào tháng trước.

Hiện tại, tổng số nhân dân tệ mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là 3,67 nghìn tỷ (580 tỷ USD). Khối ngoại bán ròng bất chấp tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ so với đô la Mỹ tiến gần mức cao nhất trong bốn năm.

Vẫn chưa rõ tổ chức nào đã bán ra do không có số liệu cụ thể nào được cung cấp. Ngân hàng ANZ đã ước tính trước đó rằng Ngân hàng Trung ương và các quỹ của Nga có thể nắm giữ 140 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc.

Ông Lin, người nắm bằng tiến sĩ tại Đại học Chicago, được biết đến là người có niềm tin mạnh mẽ rằng Trung Quốc có khả năng duy trì tăng trưởng hàng năm ở mức khoảng 8% tới năm 2035.

Xung đột tại Ukraine sẽ không cản bước Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2030 - Ảnh 2.

Dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho rằng đến năm 2030 Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.

Ông là người ủng hộ cho việc nhà nước đóng vai trò tích cực trong quy hoạch công nghiệp nhằm giúp nền kinh tế nhanh chóng bắt kịp với các nước phát triển.

Năm 2022, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%” so với mức dự báo của IMF là 4,8%.

Giáo sư Lin đưa ra ước tính đầy tham vọng của mình dựa vào tiềm lực chưa được khai phá của Trung Quốc, mà theo ông sẽ đảm bảo tăng trưởng hơn Mỹ từ 2 đến 3 điểm % trong những năm tới.

Ông nói: “Trung Quốc có khả năng nâng cấp những ngành công nghiệp truyền thống. Là nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc có lợi thế so sánh và một thị trường trong nước rộng lớn”.

“Trong lĩnh vực kinh tế mới, Trung Quốc có thể dễ dàng ‘chuyển làn’ để vượt”.

Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện đã ước tính Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2032.

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt tới 3/4 quy mô của nền kinh tế Mỹ. Washington coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược và tiến hành những nỗ lực ngăn chặn công nghệ và chia cắt kinh tế ngày càng gia tăng.

Giáo sư Lin chỉ trích Mỹ sử dụng hạ tầng tài chính thế giới, bao gồm SWIFT và đồng USD như một vũ khí trừng phạt. Trung Quốc cũng đã từng là nạn nhân của các lệnh trừng phạt vào năm 2019.

“Kinh doanh và chính trị nên được tách riêng. [Các lệnh trừng phạt] sẽ mang tới cú sốc cho toàn bộ nền tài chính quốc tế”.

Bắc Kinh đã tăng cường xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế dựa vào đồng nhân dân tệ. Ông Lin cho rằng việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nên được tiến hành cùng lúc với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, kể cả khi nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ, không có gì đảm bảo nhân dân tệ sẽ thay thế USD.

Ông nói thêm: “[Nhân dân tệ thay thế USD] sẽ là một quá trình dài”.

Minh Quang