Các lệnh trừng phạt đặt dấu chấm hết cho tham vọng toàn cầu của các ngân hàng Nga
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga vào năm 2014, VTB Bank, ngân hàng lớn thứ 2 tại Nga, đã dành cả một tầng tại trụ sở Imperia Tower để tài trợ cho các hành động quân sự.
Vì tính nhạy cảm của hoạt động, người nước ngoài không được phép đặt chân đến tầng này, cựu nhân sự VTB cho biết. Lệnh cấm thậm chí còn áp dụng đối với cả các lãnh đạo nước ngoài vốn được giao nhiệm vụ giám sát mảng kinh doanh.
"Có rất nhiều sự bí ẩn về những gì diễn ra trên tầng lầu đó, nhưng mọi người đều biết là VTB đang tài trợ cho các hoạt động quân sự của Nga", một cựu nhân sự chia sẻ.
Năm 2018, Nga chuyển các khoản tài trợ liên quan đến quốc phòng cho một ngân hàng nhỏ hơn để bảo vệ VTB, cùng với ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank (vốn cũng có nhiều hoạt động tài trợ quân sự), khỏi các lệnh trừng phạt.
Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine gần đây đồng nghĩa với việc VTB và Sberbank lọt vào tầm ngắm của các nước Phương Tây với mong muốn cô lập hệ thống tài chính quốc gia này.
Hiện tại, các lệnh trừng phạt đang đóng băng tài sản của VTB đồng thời loại bỏ nó khỏi hệ thống điện thanh toán quốc tế SWIFT. Trong khi đó, Sberbank bị cấm dùng đồng USD. Lúc này, Sberbank đã bị buộc rời khởi thị trường Đông Âu và Trung Âu, còn VTB đang lên kế hoạch thu hẹp dần hoạt động vận hành tại Châu Âu.
Giới chức Đức đang quản lý sát sao hoạt động của VTB tại Frankfurt trong bối cảnh nếu ngân hàng này rời đi, Đức có thể sẽ mất nhiều tỷ USD cho các khoản bảo hiểm tiền gửi.
2 nhà băng Nga nói trên hiện có gần 1 triệu khách hàng bán lẻ tại Châu Âu, trong khi đó cũng quản lý nhiều tài khoản của chính phủ địa phương và hàng trăm doanh nghiệp. Việc dần rút khỏi Châu Âu (vốn đã được khởi động trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng) đánh dấu chấm hết cho chiến lược kéo dài 2 thập niên của các ngân hàng Nga trong việc mở rộng ra quốc tế.
Tại quê nhà, nơi VTB và Sberbank có gần một nửa thị phần ngân hàng, lệnh trừng phạt còn có ảnh hưởng nặng nề hơn. Các lãnh đạo ở cả 2 ngân hàng đều lo ngại khách hàng sẽ ồ ạt rút các khoản tiền tiết kiệm, cùng lúc lệnh hạn chế cho vay bằng đồng USD cũng có thể khiến các doanh nghiệp đói vốn.
2 tháng trước, Sberbank là ngân hàng lớn thứ 2 ở Châu Âu xét theo giá trị vốn hoá, chỉ đứng sau HSBC. Xét về số lượng khách hàng, Sberbank cũng là ngân hàng lớn thứ 2 ở Châu Âu với 102 triệu khách hàng, so với con số 148 triệu khách hàng của Santander. Năm ngoái, Sberbank ghi nhận khoản thu nhập ròng kỉ lục lên tới 16,6 tỷ USD.
"Sẽ không có hệ thống ngân hàng ở Nga mà không có Sberbank", Ilan Stermer, giám đốc nghiên cứu ngân hàng tại Renaissance Capital, nhận định.
Sberbank có mối quan hệ bền chặt với điện Kremlin. Suốt những năm 1990, ngân hàng Nga này là ngân hàng duy nhất được chính phủ bảo lãnh tiền gửi. Với hệ thống 17.000 chi nhánh, Sberbank cũng có lợi thế tiếp cận được cả những khách hàng ở vùng sâu vùng xa.
Có nhiều chi nhánh và sự an tâm mà Sberbank mang lại khiến nhiều người Nga đổ xô đến mở tài khoản vào những năm 1990 mặc dù lãi suất mà Sberbank áp dụng đôi khi khó có thể bắt kịp với tốc độ lạm phát.
"Sberbank quan trọng không chỉ vì nắm giữ phần lớn tiền gửi dân cư, nó còn là ngân hàng duy nhất cấp tín dụng lớn cho các doanh nghiệp lớn nhờ quy mô và vốn của mình, không ngân hàng nào có thể chịu được các rủi ro tương tự", Sergey Aleksashenko, cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga, nói. "Sberbank bị trừng phạt khiến việc các doanh nghiệp Nga cần cấp vốn gặp khó khăn hơn nhiều".
Vào năm 2020, ngân hàng trung ương Nga bán cổ phần chi phối của Sberbank cho bộ tài chính của Nga. Động thái này nâng cao sức mạnh và quản lý của bộ tài chính Nga cùng CEO Herman Gref với Sberbank.
Ông Gref được ca ngợi vì áp dụng chiến lược quản trị mang phong cách phương Tây cùng các đổi mới công nghệ tới Sberbank. Gần đây, Gref giám sát một dự án chuyển đối với mục tiêu biến Sberbank thành "Amazon của Nga". Trong số 102 triệu khách hàng của nhà băng này, 27 triệu người sử dụng ứng dụng ngân hàng hàng ngày.
Dù vậy, tham vọng công nghệ của ông Greg mâu thuẫn với các quan chức nhà nước Nga. Họ muốn Sberbank tập trung vào việc trả cổ tức.
"Với ông ấy, lệnh cấm vận là một cơn ác mộng cá nhân", một cựu giám đốc của Sberbank nói. "Ông ấy đã điều hành ngân hàng trong 15 năm và đã đạt nhiều thành tựu, đưa Sberbank thành một người tiên phong công nghệ và cải thiện khả năng sinh lời. Giờ thì những gì ông ấy xây dựng sụp đổ".
"Sberbank có vấn đề lớn, nhưng nó sẽ không chết", Aleksashenko, cựu nhân sự ngân hàng trung ương nói.
Trong khi Sberbank được nhìn nhận là một ngân hàng bán lẻ, VTB đóng vai trò là một ngân hàng đầu tư của nhà nước. Thành lập tại St Petersburg vào năm 1993, vai trò của VTB là tài trợ nền kinh tế quốc nội và kết nối nền kinh tế quốc nội với các thị trường quốc tế.
"Nó là chiếc thùng rác cho mọi thứ không hiệu quả ở các doanh nghiệp Nga", một nguồn tin thân cận với nhà băng này nói. "Chính phủ dùng VTB để tiếp nhận các mảng kinh doanh như thế, xoay chuyển và đưa chúng trở lại thị trường".
VTB cũng phát triển một ngân hàng bán lẻ vào đầu những năm 2000 đặt mục tiêu có thêm thị phần ở Châu Âu. Đồng thời nó thiết lập vận hành ngân hàng đầu tư ở các trung tâm tài chính thế giới và các thị trường mới nổi.
Tổng thống Nga Putin muốn đưa VTB thành câu trả lời với Deutsche Bank sau khi Josef Ackermann, CEO nhà băng này vào thời điểm đó, nói với các lãnh đạo Nga vào năm 2007 rằng Nga sẽ không được coi là một "quốc gia vĩ đại" nếu không có một ngân hàng đầu tư uy tín.
"Nhiệm vụ thực sự của VTB là cố gắng thu hút vốn cho Nga, giúp các công ty Nga gọi vốn trên thị trường quốc tế và giúp chính phủ gọi vốn thông qua trái phiếu", một cựu nhân sự VTB nói. "VTB là cầu nối giữa Nga và nước ngoài".
Quá trình mở rộng ra toàn cầu của các nhà băng Nga vấp phải không ít tranh cãi. Mảng kinh doanh của VTB tại Mozambique vướng vào vụ scandal trái phiếu trị giá tới 2 tỷ USD, trong khi đó nhà băng này cũng phải chịu nhiều lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ.
VTB cũng từng bị yêu cầu đưa ra lời xin lỗi sau khi CEO Andrei Kostin gọi ông Boris Johnson, khi đó là Ngoại trưởng Anh, là "gã khờ".
Kostin, hiện đang nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ và EU, là một cựu chính trị gia không có kinh nghiệm ngành ngân hàng.
Việc ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất lên gấp đôi (20%) trong bối cảnh đồng rúp ghi nhận biến động giá mạnh cũng mang lại khó khăn cho các nhà băng vì các khách hàng sẽ ít có nhu cầu vay mượn hơn.
Dù vậy, Sberbank và VTB đều tự tin rằng ngân hàng trung ương sẽ can thiệp nếu khi khách hàng đột ngột rút tiền gửi số lượng lớn. Bên cạnh đó, các nhà băng cũng hy vọng chính phủ sẽ giúp phục hồi giá cổ phiếu.
Chính phủ "sẽ can thiệt vào thị trường, mua lại các cổ phần và nếu nhà băng gặp áp lực, chính phủ sẽ tái cấp vốn", một cựu giám đốc Sberbank dự đoán."Nhưng một điều họ sẽ không thể làm gì là dòng chảy USD ra bên ngoài. Đây sẽ là một thách thức trong thời gian ngắn tới".
Các chuyên gia đều dự đoán VTB và Sberbank đều quan trọng với nền kinh tế Nga đến mức ngân hàng trung ương không thể để chúng sụp đổ. Dù vậy, các lệnh cấm vận sẽ đặt dấu chấm hết cho các tham vọng toàn cầu.
"Nếu không thể hợp tác với Phương Tây, chúng sẽ phải tập trung lại vào thị trường nội địa", ông Stermer nói. "Có thể chúng sẽ chuyển sự chú ý về Châu Á, theo mức độ cho phép nếu thương mại quốc tế không hoàn toàn bị chặn đứng".