|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kiểm toán 'lắc đầu' với nhiều doanh nghiệp yếu kém

10:14 | 21/08/2018
Chia sẻ
Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên năm nay, phía kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh và thậm chí là từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính của không ít doanh nghiệp.
kiem toan lac dau voi nhieu doanh nghiep yeu kem

PVR: Có quá nhiều “vấn đề”

Kiểm toán đã đưa ra ý kiến từ chối đối với báo cáo tài chính bán niên 2018 của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) vì nhiều vấn đề.

Cụ thể, doanh nghiệp chưa phát hành hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để hạch toán và kê khai thuế GTGT đầu ra và kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản tiền nhận đặt cọc với khách hàng cho Dự án Văn Phú.

Đồng thời, Công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Bình An, giá trị 205 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kiểm toán không đưa ra được tính đúng đắn của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Bình An ngày 30/6/2011 giữa Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) và PVR, cũng như không thể xác định được liệu các cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông của Công ty Bình An đã góp đủ vốn hay chưa.

Mặt khác, các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu và công nợ phải trả của PVR tại ngày 30/6/2018 chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ.

Hiện PVR đang đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCI) và Công ty cổ phần Khách sạn Dầu khí Lam Kinh, với giá trị lần lượt là 21,35 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.

Thế nhưng, theo ý kiến kiểm toán, Công ty chưa thu thập được báo cáo tài chính tại thời điểm cuối quý II/2018 của các đơn vị này làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính mà PVR ghi nhận trên báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2016 và 31/12/2017.

Theo đó, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính bán niên 2018 của PVR. Tính đến hết quý II/2018, PVR có khoản lỗ lũy kế 69,6 tỷ đồng.

SDY: Chưa trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn

Cổ phiếu SDY của Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly bị hạn chế giao dịch từ 11/4/2018 do Công ty âm vốn chủ sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017.

Cổ phiếu này đang “chết” thanh khoản ở mức giá 7.500 đồng/cổ phiếu. SDY có vốn điều lệ 45 tỷ đồng và 3 năm gần đây liên tiếp thua lỗ. Tại thời điểm 30/6/2018, Công ty lỗ lũy kế 69,9 tỷ đồng.

Dù thua lỗ, nhưng ý kiến kiểm toán ngoại trừ lại khiến người đọc hơi bất ngờ. Cụ thể, theo cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ, SDY đã chi vượt Quỹ khen thưởng, phúc lợi với số tiền hơn 1,84 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty chưa trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi cho những khoản công nợ phải thu đã quá hạn thanh toán. Theo tính toán của kiểm toán, SDY cần trích lập dự phòng phải thu khó đòi bổ sung 17,9 tỷ đồng. Nếu Công ty thực hiện hạch toán các chỉ tiêu này, lợi nhuận sẽ giảm tương ứng.

Theo SDY, khoản chi vượt Quỹ khen thưởng, phúc lợi là do từ năm 2012 đến năm 2017, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ, nhưng các khoản chi từ quỹ này vẫn phát sinh.

Công ty đã chi và sẽ bổ sung nguồn vào những năm sau. Về các khoản phải thu khó đòi, Tổng giám đốc SDY cho biết, Công ty đang làm hồ sơ đối chiếu xác nhận công nợ của khách hàng về số tiền còn nợ chưa trả. Khi có đầy đủ các căn cứ xác nhận về các khoản phải thu khó đòi trên, Công ty sẽ trích lập dự phòng.

Vẫn theo SDY, Công ty đã ký hợp đồng gia công cho Công ty cổ phần Xi Măng Sông Gianh (thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan) với sản lượng 100.000 tấn/năm, đảm bảo khả năng thanh toán trong thời gian ít nhất 1 năm tới.

Trong nửa đầu năm 2018, SDY đạt hơn 5 tỷ đồng doanh thu và ghi nhận lợi nhuận âm. Trong khi đó, năm 2018, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hơn 52,7 tỷ đồng, bao gồm doanh thu từ gia công xi măng 18 tỷ đồng và doanh thu từ tiêu thụ xi măng Elecem 24 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chính SDY đánh giá, tiêu thụ xi măng Elecem bị đứt đoạn từ cuối 2016, các đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc giảm giá sâu (như Vissai, Xuân Thành…), nên việc xây dựng lại thương hiệu xi măng Elecem gặp nhiều khó khăn và chi phí marketing cho 1 tấn sản phẩm xi măng là rất lớn.

AGF: Nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục

Tới ngày 9/7/20118, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) bị nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét niên độ 1/10/2017 - 30/9/2018 lần 3 và chỉ mới công bố báo cáo bán niên vào giữa tháng 7/2018.

Dĩ nhiên, báo cáo tài chính quý III (từ 1/4 -30/6/2018) của niên độ này vẫn chưa được Công ty công bố. Vì vậy, cổ phiếu AGF bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt từ 7/3/2018 do vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo tài chính bán niên, AGF lỗ ròng hơn 166 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 258 tỷ đồng. Kiểm toán nhấn mạnh, nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Ngoài ra, kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ rằng, AGF chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi với số tiền gần 97 tỷ đồng.

Nếu Công ty thực hiện trích lập khoản dự phòng này theo quy định thì khoản lỗ ròng trong kỳ sẽ tăng lên tương ứng, khoản mục dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và lỗ lũy kế sẽ tăng theo.

Ban lãnh đạo AGF đã lên tiếng giải trình và tin tưởng sẽ khắc phục được khoản lỗ lũy kế nhờ Công ty đang cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư và tài sản cố định (giảm vùng nuôi, cho thuê gia công các nhà máy, thương thảo với các ngân hàng để đảm bảo vốn lưu động).

Về việc chưa trích lập dự phòng, AGF đánh giá, các khoản nợ trên vẫn có khả năng thu hồi, do tình hình kinh doanh sản phẩm cá tra đang thuận lợi, đồng thời khách hàng đã có cam kết về lộ trình thanh toán công nợ. Vì vậy, Công ty quyết định không trích lập dự phòng các khoản phải thu trên tại thời điểm 31/3/2018.

HKB: Lỗ 5 quý liên tiếp

Công ty cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) đã lỗ 5 quý liên tiếp và ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong báo cáo tài chính năm 2017 tiếp tục ảnh hưởng tới báo cáo tài chính bán niên 2018 của Công ty.

Cụ thể, các vấn đề liên quan đến việc thực hiện đầu tư tài chính dài hạn vào hai công ty con, việc góp vốn vào Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, hợp đồng vay đảm bảo tài sản giữa HKB và ông Phạm Anh Tuấn không quy định thời gian thanh toán gốc và lãi vay…

Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khoản nợ phải thu được sửa đổi điều khoản thanh toán theo phụ lục hợp đồng kinh tế có số tiền là 123,5 tỷ đồng. HKB đã thực hiện ký hợp đồng bán hàng xuất khẩu với điều khoản thanh toán theo hình thức “giao tiền đổi chứng từ” nhờ thu qua ngân hàng tại Maroc.

Tuy nhiên, hàng đã được vận chuyển đến cảng đích nhưng khách hàng Ste Top Arabic Sarl A.U chưa đến nhận hàng và thanh toán số tiền còn lại 251.160 USD (hơn 5,7 tỷ đồng). Ngày 26/7/2017, Thương vụ Việt Nam tại Maroc đã có thông báo khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không giao dịch với công ty có tên nêu trên.

Theo HKB, Ban tổng giám đốc HKB đang thực hiện đàm phán và thu hồi công nợ của khách hàng Ste Top Arabic Sarl A.U và tin tưởng rằng, việc thu hồi công nợ sẽ được thực hiện trong năm 2018.

LIC: Lỗ lũy kế 44% vốn điều lệ, nghi ngờ khả năng trả nợ

Với Tổng công ty Licogi - CTCP (LIC), kiểm toán lưu ý tới nhiều khoản mục liên quan tới các kỳ kế toán trước và tại thời điểm cuối tháng 6/2018, khi nợ ngắn hạn gấp gần 3 lần tài sản ngắn hạn, dẫn đến nghi ngờ khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó là khoản lỗ lũy kế giữa niên độ 393 tỷ đồng, bằng 44% vốn điều lệ. Theo đó, kiểm toán cho rằng, xuất hiện sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của LIG.

Xem thêm

Nhã An