Kĩ thuật định giá trị (Value Engineering) là gì?
Kĩ thuật định giá trị
Khái niệm
Kĩ thuật định giá trị trong tiếng Anh là Value Engineering.
Kĩ thuật định giá trị là một cách tiếp cận có tổ chức, có hệ thống để cung cấp các chức năng cần thiết trong một dự án với chi phí thấp nhất.
Kĩ thuật định giá trị thúc đẩy việc thay thế các nguyên, vật liệu và phương pháp bằng các lựa chọn thay thế ít tốn kém hơn mà không làm mất đi chức năng của chúng. Nó chỉ tập trung vào các chức năng của các thành phần và nguyên, vật liệu khác nhau, chứ không phải là thuộc tính vật lí của chúng. Kĩ thuật định giá trị còn được gọi là phân tích giá trị (value analysis).
Đặc điểm của kĩ thuật định giá trị
Kĩ thuật định giá trị là việc xem xét các sản phẩm mới hoặc hiện có trong giai đoạn thiết kế để giảm chi phí và tăng chức năng trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm. Giá trị của một mặt hàng được xác định là cách hiệu quả nhất để sản xuất một mặt hàng mà không phải bỏ qua mục đích sử dụng của nó. Do đó, giảm thiểu chi phí về chất lượng chỉ đơn giản là một chiến lược cắt giảm chi phí.
Khái niệm về kĩ thuật định giá trị được phát triển vào những năm 1940 tại General Electric, vào giữa Thế chiến II. Do chiến tranh, kĩ sư Lawrence Miles và những người khác đã tìm kiếm sản phẩm thay thế cho các vật liệu và linh kiện vì sự thiếu hụt liên tục của chúng. Những sự thay thế này thường được tìm kiếm để giảm chi phí và cung cấp hiệu suất tương đương hoặc tốt hơn.
Một số lưu ý đặc biệt
Miles đã xác định giá trị sản phẩm là tỉ lệ của hai yếu tố: chức năng và chi phí. Chức năng của một mặt hàng là nhiệm vụ cụ thể mà nó được thiết kế để hoạt động, và chi phí là chi phí liên quan đến mặt hàng đó trong suốt vòng đời của nó. Tỉ lệ của chức năng trên chi phí ngụ ý rằng, giá trị của sản phẩm có thể được tăng lên bằng cách cải thiện chức năng của nó hoặc giảm giá thành. Trong kĩ thuật định giá trị, chi phí liên quan đến sản xuất, thiết kế, bảo trì và thay thế cũng được bao gồm trong quá trình phân tích.
Ví dụ, hãy xem xét một sản phẩm công nghệ mới đang được thiết kế và dự kiến có vòng đời chỉ 2 năm. Do đó, sản phẩm sẽ được thiết kế với các nguyên, vật liệu và tài nguyên ít tốn kém nhất có thể phục vụ đủ đến hết vòng đời của sản phẩm, tiết kiệm cho nhà sản xuất và tiền của người tiêu dùng cuối. Đây là một ví dụ về việc cải thiện giá trị bằng cách giảm chi phí.
Một công ty sản xuất khác có thể quyết định tạo ra giá trị gia tăng bằng cách tối đa hóa chức năng của sản phẩm với chi phí tối thiểu. Trong trường hợp này, chức năng của mỗi thành phần trong sản phẩm sẽ được đánh giá để phát triển một phân tích chi tiết về mục đích của sản phẩm. Một phần của phân tích giá trị sẽ yêu cầu đánh giá nhiều cách thay thế mà dự án hoặc sản phẩm có thể thực hiện chức năng của nó.
Các cách thay thế khác nhau sẽ được liệt kê và sau đó gói gọn vào một vài lựa chọn thứ cấp có tính khả thi hoặc cơ bản nhất mà có thể thực hiện được.
Chẳng hạn, một chai nước rửa bát có vỏ ngoài trơn trượt sau khi xà phòng bị rò rỉ sang hai bên, có thể được cải thiện bằng cách thiết kế lại hình dạng của chai và vòi mở để cải thiện độ bám và giảm thiểu rò rỉ. Cải tiến này có thể dẫn đến tăng doanh số mà không phát sinh thêm chi phí quảng cáo.
(Theo Investopedia)