|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khu vực thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) là gì?

08:59 | 16/08/2019
Chia sẻ
Khu vực thương mại tự do (tiếng Anh: Free Trade Agreement - FTA) đóng một vai trò rất quan trọng trong tình hình chính trị và kinh tế thế giới. Lợi ích của mỗi quốc gia đều được cân nhắc để phù hợp với mục đích chung và lợi ích cá nhân của các bên.
Khu vực thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) là gì? Nội dung chính - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: vietnamembassy-venezuela.org)

Khu vực thương mại tự do

Khu vực thương mại tự do trong tiếng Anh gọi là Free Trade Agreement, viết tắt là FTA.

Khu vực thương mại tự do (FTA) là hình thức liên kết quốc tế, trong đó các quốc gia thành viên cùng nhau thỏa thuận giảm dần hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với phần lớn hàng hóa và dịch vụ khi buôn bán với nhau để tiến tới thành lập một thị trường thống nhất về hàng hóa và dịch vụ. 

Mỗi quốc gia thành viên vẫn có quyền duy trì chính sách thương mại riêng đối với các quốc gia không phải thành viên.

Nội dung chính khu vực thương mại tự do

1. Qui định cắt bỏ hàng rào thuế quan

Trong FTA, mỗi quốc gia thành viên sẽ phải cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa của các quốc gia thành viên khác trong khối. Loại hàng hóa và thời gian loại bỏ thuế tùy thuộc vào kết quả đàm phán (được thể hiện trong biểu cam kết loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa của từng quốc gia). 

Thông thường trong các FTA, có những dòng thuế được bãi bỏ chậm hơn và được đưa vào "danh sách nhạy cảm", một số ít dòng thuế sẽ không được bãi bỏ và được liệt kê trong "danh sách loại trừ".

2. Qui định về qui tắc xuất xứ

Qui tắc xuất xứ là một trong những nội dung quan trọng trong bất kỳ FTA nào. Trong đó qui định chi tiết những hàng hóa nào được coi là "có xuất xứ" từ đối tác FTA để được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong các FTA khác nhau, mỗi loại hàng hóa có qui tắc xuất xứ khác nhau, tùy thuộc vào kết quả đàm phán. 

Mục đích của qui tắc xuất xứ là nhằm hạn chế chệch hướng thương mại (trade deflection), đó là chuyển hướng nhập khẩu thông qua một quốc gia có mức thuế quan thấp nhất nhằm khai thác sự khác nhau về thuế.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Hội nhập Kinh tế quốc tế - NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đỗ Hải Yến