|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không kỳ vọng khi đi gọi vốn, startup bất ngờ được 'cá mập' quan tâm, đầu tư gấp 5 lần số tiền mong muốn

15:45 | 28/09/2021
Chia sẻ
Hồi tháng 7, Go1 công bố khoản đầu tư 200 triệu USD do quỹ Vision Fund 2 (SoftBank) dẫn dắt. Con số này cao cấp 5 lần tổng số vốn mà Go1 kêu gọi được hồi năm ngoái.

Andrew Barnes không kỳ vọng Go1, startup Australia hỗ trợ đào tạo người lao động của ông, có thể kêu gọi được hàng trăm triệu USD hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi trình bày ý tưởng của mình với các nhà đầu tư, ông đón nhận rất nhiều sự hào hứng, trong đó có SoftBank.

"Khi chúng tôi thấy sự hào hứng đó và khi chúng tôi nghĩ về 5 đến 10  năm tiếp theo, có những cơ hội thị trường đáng chú ý trong lĩnh vực mà mình hoạt động", ông Barnes nói. Cuối cùng, Go1 có một cuộc gặp với Chủ tịch và CEO SoftBank Masayoshi Son. Theo ông Barnes, ông Son "hiểu rất nhanh về mô hình kinh doanh".

Điều đặc biệt thu hút ông Barnes là khả năng của ông Son trong việc hiểu rõ cách Go1 dùng dữ liệu để cá nhân hoá các chương trình đào tạo dành cho người lao động. Nó có tiềm năng thay đổi một mảng trong ngành giáo dục.

Bỏ lỡ nhiều 'miếng ngon' ở mảng startup phần mềm doanh nghiệp, SoftBank bắt đầu đổi hướng đầu tư startup - Ảnh 1.

Andrew Barnes, người sáng lập startup Go1. (Ảnh: Go1).

Hồi tháng 7, Go1 công bố khoản đầu tư 200 triệu USD do quỹ Vision Fund 2 (SoftBank) dẫn dắt. Con số này cao cấp 5 lần tổng số vốn mà Go1 kêu gọi được hồi năm ngoái.

Go1 cung cấp cho các doanh nghiệp gói giải pháp sử dụng hơn 200.000 khoá học, từ cách sử dụng Excel cho đến kỹ năng quản lý. Thực tế, mảng giải pháp do doanh nghiệp này cũng đang dần trở thành một cột trụ quan trọng trong chiến lược đầu tư của SoftBank.

SoftBank chuyển hướng đầu tư

SoftBank thu được lợi ích nhiều nhất từ các khoản đầu tư tiêu dùng như Alibaba (Trung Quốc), Coupang (Hàn Quốc) và DoorDash (Mỹ). Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, ông Son chuyển hướng đầu tư lớn vào các công ty cung cấp giải pháp, phần mềm cho doanh nghiệp. Nhiều công ty này hoạt động theo mô hình kinh doanh SaaS.

Quỹ Vision Fund 2 đã thực hiện 21 khoản đầu tư vào các công ty cung cấp phần mềm doanh nghiệp tính đến thời điểm ngày 30/6. Con số này tương đương 1/5 danh mục đầu tư của quỹ. Trước đó, quỹ Vision Fund ban đầu (với quy mô lớn hơn) chỉ đầu tư vào 8 công ty phần mềm doanh nghiệp, tương đương 9,8% danh mục đầu tư.

Khả năng "chốt deal" ở các khu vực mới như Úc là một dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của SoftBank trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Các lãnh đạo cao cấp của SoftBank nói rằng đội ngũ các nhà đầu tư chuyên nghiệp của nó trên toàn thế giới có thể xác định được các thương vụ tốt nhất cho ông Son.

Theo Nikkei, việc SoftBank tham gia đầu tư muộn vào một số lĩnh vực vốn đá rất cạnh tranh trước đó đã khiến định giá startup tăng mạnh.

Bỏ lỡ nhiều 'miếng ngon' ở mảng startup phần mềm doanh nghiệp, SoftBank bắt đầu đổi hướng đầu tư startup - Ảnh 2.

(Nguồn: SoftBank/Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

"Không có gì khó hiểu khi định giá tăng do nhiều vốn chảy vào thị trường", ông Craig Blair, đồng sáng lập và đối tác của AirTree Ventures, chia sẻ. AirTreeddax đầu tư vào Go1 từ năm 2019. "Chúng tôi thấy định giá và quy mô gọi vốn ở Úc tăng gần 30% trong 3 năm qua", ông nói thêm.

Ấn Độ cũng nằm ở "tuyến đầu" trong chiến lược mới của SoftBank. Quỹ Vision Fund đầu tiên đã đầu tư mạnh vào các công ty như One97 Communications, "ông chủ" của ứng dụng thanh toán Paytm, và chuỗi khách sạn Oyo.

Quỹ thứ 2 cũng đẩy mạnh đầu tư vào các cũng đẩy mạnh đầu tư vào các công ty như Mindtickle, một startup Ấn Độ cung cấp các phần mềm hỗ trợ năng lực bán hàng.

Mindtickle kêu gọi được 100 triệu USD ở vòng gọi vốn do Vision Fund 2 vào tháng 11 năm ngoái. Chưa đầy một năm sau đó, vào tháng 8 năm nay, công ty này tiếp tục gọi được thêm 100 triệu USD trong vòng gọi vốn do Vision Fund 2 dẫn dắt. Định giá của Mindtickle lúc này tăng lên 1,2 tỷ USD.

Krishna Depura, đồng sáng lập và CEO Mindtrickle, chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng việc không gọi được thêm vốn nhanh chóng khiến Mindtrickle có thể tụt lại phía sau so với các đối thủ.

"Thị trường đang chuyển dịch mạnh và COVID-19 đang thúc đẩy chuyển đổi số. Vì thế, bạn sẽ thấy nhiều công ty SaaS gọi được vốn và tăng quy mô vì đây chính là mảng mà nhiều mô hình kinh doanh mới được tạo ra", ông chia sẻ.

SoftBank cũng đầu tư vào các startup thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ như OfBusiness (Ấn Độ) và Xiaopangxiong (Trung Quốc). OfBusiness, công ty chuyên mua và bán các vật liệu thô như thép hay xi măng, cho biết đã gọi vốn thành công 160 triệu USD hồi tháng 7 trong vòng gọi vốn do Vision Fund 2 dẫn dắt ở định giá 1,5 tỷ USD.

Ông Son cũng đầu tư vào nhiều công ty thương mại điện tử lớn nhất Châu Á, bao gồm Alibaba, Coupang và Flipkart. Dù vậy, các startup này không có nhiều liên quan đến kinh doanh B2B.

"Ông Son quan tâm đến đầu tư vào mảng internet tiêu dùng vì ông tin rằng đây là thị trường mà người chiến thắng sẽ có tất cả. Ở mảng B2B thì khác, luôn có phần cho mọi người", ông Asish Mohapatra, CEO và đồng sáng lập OfBusiness, chia sẻ.

Mặc dù không thuyết phục được nhiều nhà đầu tư góp vốn cho quỹ thứ 2, SoftBank đang đẩy mạnh đầu tư bằng cách cam kết góp 40 tỷ USD từ chính nguồn vốn của mình. Ông Son cũng khẳng định mục tiêu của mình là tăng quy mô danh mục đầu tư lên 500 công ty và sau đó là 1.000 công ty.

Việc SoftBank đẩy mạnh đầu tư vào mảng phần mềm doanh nghiệp một phần được thúc đẩy khi có nhiều công ty lớn xuất hiện mà không có đầu tư của SoftBank.

Năm ngoái, Snowflake, công ty điện toán đám mây Mỹ, kêu gọi thành công 3,4 tỷ USD trong đợt IPO thành công nhất ở ngành này. Một số ví dụ khác cũng có thể kể đến Zoom hay Atlassian.

Nam Khánh