Khái quát thị trường Bờ Biển Ngà
Khái quát chung về thị trường Bờ Biển Ngà
Bờ Biển Ngà là một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực Tây Phi. Mặc dù dung lượng thị trường không lớn (với dân số xấp xỉ 26,5 triệu) nhưng được đánh giá có sức tiêu thụ hàng hóa mạnh, trong khi yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm không quá khắt khe.
Hàng hóa Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập sâu vào các phân khúc thị trường.
Đây là quốc gia giàu tài nguyên thiên, có nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhiều ngành sản xuất mà Việt Nam có thể tiếp cận khai thác, trong đó có một số mặt hàng ta đã và đang nhập khẩu với số lượng lớn để phục vụ sản xuất như hạt điều thô, bông, nguyên liệu thức ăn gia súc,…
Những năm gần đây, Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực châu Phi.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bờ biển Ngà liên tục tăng trưởng mạnh. Kim ngạch hai chiều đã có lúc vượt mốc 1 tỉ USD, năm 2019 đạt 974,7 triệu USD.
Về cơ bản, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ trợ. Đây chính là yếu tố quan trọng đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Năm 2019 Bờ Biển Ngà xuất khẩu khoảng 12,6 tí USD với các sản phẩm chủ yếu là ca cao, cà phê, gỗ, dầu lửa, bông, chuối, dứa, dầu cọ, cá.
Các đối tác xuất khẩu chính gồm Hà Lan 11,8%; Mỹ 7,9%; Pháp 6,4%; Bỉ 6,4%; Đức 5,8%; Burkina Faso 4,5%; Ấn Độ 4,4%; Mali 4,2%.
Kim ngạch nhập khẩu của Bờ Biển Ngà đạt xấp xỉ 10 tỉ USD, chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, máy móc trang thiết bị, lương thực, thực phẩm. Các đối tác nhập khẩu chính gồm Nigeria 15%; Pháp 13,4%; Trung Quốc 11,3%; Mỹ 4,3%,...
Quan hệ thương mại Việt Nam và Bờ Biển Ngà
Chỉ tính riêng xuất khẩu, hiện nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt xấp xỉ 272,9 triệu USD, là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Phi, chỉ sau Nam Phi (800 triệu USD), Ai Cập (458,46 triệu USD), năm 2019 đã vượt Ghana ( 271 triệu USD), Algeria ( 186,8 triệu USD).
Kim ngạch xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà cũng cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang Nigeria, thị trường được đánh giá có trao đổi thương mại khá sôi động với Việt Nam trong những năm gần đây (127 triệu USD vào năm 2019).
Về nhập khẩu, Bờ Biển Ngà hiện là đối tác lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Năm 2019, ta nhập khẩu 701,8 triệu USD hạt điều nguyên liệu, bông, phế liệu và nguyên liệu thức ăn gia súc từ thị trường này. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Bờ Biển Ngà bỏ xa thị trường thứ 2 là Cộng hòa Congo (414,4 triệu USD), thị trường thứ 3 Nigeria (386 triệu USD) và thứ 4 Nam Phi (329,7 triệu USD/2019).
Từ khía cạnh kim ngạch hai chiều, hiện nay Bờ Biển Ngà là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi, đạt 974,7 triệu USD, chỉ sau Nam Phi (1129,7 triệu USD vào năm 2019).
So sánh trong khối các thị trường tiếng Pháp tại châu Phi, hiện nay kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đứng ở vị trí thứ nhất, đạt 272,9 soán ngôi hậu của Algeria (chỉ đạt 186,8 triệu USD vào năm 2019).
Kim ngạch xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà năm 2019 tương đương xấp xỉ 44,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường tiếng Pháp tại châu Phi (tổng khoảng 618 triệu USD).
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà tương đương xấp xỉ 11,01% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Châu Phi và xấp xỉ 1,03% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Bờ Biển Ngà tương đương xấp xỉ 27,24% tổng nhập khẩu từ châu Phi và xấp xỉ 0,28% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2019.
Chi tiết năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 272,99 triệu USD tăng 49,6% so với cùng kì 2018 (182,4 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm gạo, sản phẩm sắt thép, hạt tiêu, lưới đánh cá, linh kiện phụ tùng xe máy,…
Cùng kì, kim ngạch nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà đạt 701,87 triệu USD, giảm 12,1% so với cùng kì 2018 (797,5 triệu USD), chủ yếu là hạt điều thô và sắt thép phế liệu,…
Nguyên nhân giảm là do giá điều thô biến động tăng cao do chính sách tăng giá của Chính phủ, trong khi điều nhân không thể điều chỉnh tăng tương ứng, dẫn đến các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu điều nguyên liệu.