|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Bình ổn giá phải hạn chế tối đa can thiệp trái quy luật thị trường

20:57 | 07/11/2022
Chia sẻ
Một số ĐBQH cho rằng, áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung-cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; kiềm chế lạm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Hạn chế tối đa can thiệp trái quy luật thị trường

Tại tổ 10, đại biểu cho rằng, bình ổn giá là vấn đề quan trọng trong quản lý giá, việc Nhà nước có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung-cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; kiềm chế lạm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường. 

Liên quan đến với vấn đề giá sách giáo khoa, theo các đại biểu đây là mặt hàng thiết yếu và mặt hàng này có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, nhất là người có người thu nhập thấp.

Vì vậy, cần phải tiến hành kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dung, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.

Do đó, các đại biểu đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá chi tiết, các đơn vị phát hành sách tự quyết định giá bán cụ thể nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân; đồng thời cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện vấn đề này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk bày tỏ băn khoăn với quy định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bản hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Theo đại biểu, quy định này còn chung chung, chưa cụ thể, định tính chứ chưa định lượng, chưa nêu rõ được thế nào là “bất hợp lý”. Đồng thời đề nghị quy định rõ giá ban tăng bao nhiêu và so với thị trường thì được coi là bất hợp ý, để tăng tính khả thi trong quá trình áp dụng. 

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang (Ảnh: Quốc hội).

Quy định mở với trường hợp đặc biệt

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ rõ dự thảo Luật quy định trường hợp cơ quan nhà nước quyết định bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường; khi công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai.

Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến, quy định cứng này sẽ bó hẹp và khó linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế. Bởi nhiều khi có biến động giá lớn về mặt hàng hàng hóa của quốc tế và khu vực nhưng chúng ta chưa lường hết được.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định mở đối với trường hợp biến động lớn về hàng hóa, giá cả trong nước cũng như quốc tế, khu vực, tác động sâu rộng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. 

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cũng đề nghị rà soát để bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương chịu trách nhiệm trong vấn đề bình ổn giá ngay lập tức trước sự cố nào đó; đồng thời tăng thêm tính cơ động, phân cấp, phân quyền và tính chịu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan tới dịch bệnh, sự cố, thảm họa để kịp thời ổn định ngay để giảm bớt các thủ tục hành chính.  

Hạ An