Chính phủ đề xuất duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Chiều 19/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi, theo Báo Chính phủ.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến thường trực ủy ban này tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.
“Trong bối cảnh hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ hiện tại là chưa phù hợp”, ông Cường nói.
Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.
Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), thì trước mắt vẫn cần duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, trong dự thảo luật chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng, điều hành quỹ cần linh hoạt hơn, tăng trách nhiệm, công khai, minh bạch.
Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.
Trước đó vào đầu tháng 6, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.
“Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường” Bộ Tài chính nhận định.
Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG đến hết quý II là gần 311 tỷ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong quý II, từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022 là gần 1.008 tỷ đồng.
Cùng với đó, tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý II từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022 là gần 527 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý II là 1,4 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý II là 1,7 tỷ đồng.
Thời gian |
Số dư Quỹ BOG (ĐV: tỷ đồng) |
Hết quý II/2022 |
310,7 |
Hết quý I/2022 |
-169,9 |
Ngày 31/12/2021 |
898,5 |
Dù Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã trích lập hơn 1.000 tỷ đồng vào quỹ BOG chung, song quỹ của 13/36 doanh nghiệp vẫn ở mức âm.
Trong đó, hai nhà bán lẻ xăng, dầu lớn nhất cả nước là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận số dư quỹ bình ổn giá âm lần lượt ở 1.099 tỷ đồng và 137 tỷ đồng.