|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng hơn 110% về lượng xuất khẩu, Bờ Biển Ngà trở thành thị trường lớn nhất tại châu Phi của gạo Việt

11:50 | 05/02/2020
Chia sẻ
Với mức tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị trong năm 2019, Bờ Biển Ngà đã vượt Gana, trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2019, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt gần 583.580 tấn, trị giá 252,6 triệu USD, tăng 111% về lượng và 61% về giá trị so với năm 2018, chủng loại gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng và gạo tấm. 

Mức tăng trưởng này đã đưa Bờ Biển Ngà vượt Gana, trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.

Năm

2014

2015

2016

2017

2018

2019

Khối lượng (tấn)

213.854

255.843

190.961

224.482

276.181

583.579

Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)

104,7

115,6

91,1

102,5

156,6

252,6

Tỷ trọng trong cơ cấu XK của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà (%)

65,4

83,9

75,4

81,2

85,9

92,5

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo (%)

-54,2

+10,4

-21,2

+12,5

+52,8

+61,3

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà giai đoạn 2014-2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Bờ Biển Ngà là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, trung bình mỗi năm nước này nhập khẩu từ 1 đến 1,5 triệu tấn gạo, chủ yếu từ các nước châu Á, trong đó khối lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam chiếm trung bình khoảng 19% trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Bờ Biển Ngà giai đoạn 2014 - 2018.

Quốc gia Tây Phi hiện là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới, chỉ sau Philippines. Gạo Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường này do có giá bán hợp lí, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định.

Hiện nay, Chính phủ Bờ Biển Ngà đang cố gắng đa dạng hóa các lĩnh vực nông nghiệp và đặt mục tiêu tự túc lúa gạo trong những năm tới. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nước tưới, thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc thu hoạch, sản xuất và vận chuyển. 

Ngoài ra gạo sản xuất nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và ít được ưa chuộng. Với tỉ lệ đô thị hóa và dân số tăng nhanh, lực lượng lao động châu Á đến Bờ Biển Ngà ngày càng nhiều, do đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi dự kiến mặt hàng gạo sẽ tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.



Như Huỳnh