|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế hoạch nhu cầu sản xuất (Demand Planning for Manufacturing) là gì? Phân loại

11:33 | 26/11/2019
Chia sẻ
Kế hoạch nhu cầu sản xuất (tiếng Anh: Demand Planning for Manufacturing) việc xác định nhu cầu về các phương tiện và các yếu tố sản xuất cần thiết nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm cuối cùng.
Kế hoạch nhu cầu sản xuất (Production Demand Planning) là gì? Phân loại kế hoạch nhu cầu sản xuất - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Raconteur)

Kế hoạch nhu cầu sản xuất 

Kế hoạch nhu cầu sản xuất trong tiếng Anh là Demand Planning for Manufacturing.

Kế hoạch nhu cầu sản xuất được hiểu là việc xác định nhu cầu về các phương tiện và các yếu tố sản xuất cần thiết (lao động, nguyên, nhiên vật liệu…) nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm cuối cùng.

Kế hoạch nhu cầu sản xuất được thực hiện ngay sau khi lập kế hoạch sản xuất tổng thể và kế hoạch sản xuất theo sản phẩm.

Phân loại kế hoạch nhu cầu sản xuất

Khi lập kế hoạch nhu cầu sản xuất cần xác định hai loại nhu cầu: nhu cầu độc lập và nhu cầu phụ thuộc.

Nhu cầu độc lập

Là nhu cầu về sản phẩm cuối cùng và các chi tiết, phụ tùng thay thế (nếu có) được dùng để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Nhu cầu độc lập được xác định trên cơ sở dự báo các nhu cầu và kế hoạch bán hàng. Tuy nhiên, khi xác định nhu cầu này cần phải cân đối với năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Nhu cầu phụ thuộc

Là những nhu cầu phát sinh từ nhu cầu độc lập, nó được xác định trên cơ sở phân tích sản phẩm thành các bộ phận, chi tiết, vật tư, nguyên vật liệu.

Xác định nhu cầu phụ thuộc chính xác và kịp thời sẽ tạo điều kiện tốt cho công tác chuẩn bị sản xuất và tổ chức sản xuất ở các doanh nghiệp, cũng như ở các bộ phận sản xuất. Nội dung cơ bản của kế hoạch nhu cầu sản xuất là tính toán xác định nhu cầu phụ thuộc.

Xác định nhu cầu phụ thuộc

Căn cứ xác định

- Nhu cầu về sản phẩm của khách hàng trong kì.

- Kế hoạch sản xuất tổng thể và kế hoạch sản xuất theo sản phẩm.

- Thiết kế sản phẩm và phân tích kết cấu sản phẩm sản xuất.

- Mức dự báo bán hàng và mức tồn kho của sản phẩm sản xuất trong kì.

- Hệ thống tiêu chuẩn và qui chuẩn.

- Hệ thống định mức của doanh nghiệp.

- Phương pháp công nghệ sản xuất và tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp và các điều kiện khác của sản xuất của doanh nghiệp.

Trình tự xác định

- Xác định nhu cầu sản xuất sản phẩm cuối cùng trong kì (nhu cầu độc lập)

Nhu cầu này được xác định trên cơ sở dự báo bán hàng, mức tồn kho sản phẩm kế hoạch sản xuất tổng thể và kế hoạch sản xuất theo sản phẩm. Cần phân biệt sản phẩm sản xuất theo khối lượng và thời gian giao hàng cụ thể.

- Phân tích kết cấu sản phẩm

Phân tích kết cấu sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định số lượng các yếu tố vật chất cũng như thời gian cần để hoàn thành một sản phẩm.

Phân thích kết cấu sản phẩm được thực hiện trên cơ sở: thiết kế sản phẩm, định mức sử dụng các nhu cầu phụ thuộc…

Phân tích kết cấu sản phẩm ngoài việc chỉ ra các mối liên hệ giữa các chi tiết, bộ phận của sản phẩm, nó còn cho biết tiêu hao về vật chất, về thời gian cần thiết để hoàn thành từng bước công việc.

- Xác định các loại nhu cầu phụ thuộc cho các sản phẩm

Đối với sản xuất vật liệu xây dựng thì việc xác định các loại cấp nhu cầu phụ thuộc tương ứng với việc xác định nhu cầu sản xuất ở các phân xưởng sản xuất. Đây chính là cơ sở để lập kế hoạch sản xuất cho các bộ phận sản xuất của doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế và tổ chức quản lí sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, NXB Đại học Xây dựng)

Đức Nhượng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.