Hơn 832.000 người Việt đã tiêm vắc xin COVID-19
Dẫn nguồn tin từ báo Sức Khỏe & Đời sống, tính đến sáng 9/5, Bộ Y tế cho biết hiện cả nước đã có 832.635 người tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Riêng trong ngày 8/5 có thêm 30.678 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 36 tỉnh, thành phố.
Những người được tiêm vắc xin là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Chuyên gia về tiêm chủng, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc cho hay, hiện tại Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Quy trình tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.
Ở nhiều nước, công tác tổ chức tiêm dạo, tiêm tại cộng đồng (xách phích đi tiêm đến từng nhà), tiêm tại các điểm lưu động (người dân đi xe qua, dừng tiêm rồi đi tiếp), tiêm ngay trong nhà thuốc hoặc siêu thị. Trong khi đó tại Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 luôn đặt lên hàng đầu, tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng, bác sĩ Thái cho hay.
Cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị (có đủ phương tiện phòng chống sốc), có đội ngũ được đào tạo bài bản để tiêm chủng an toàn.
Bản thân các cơ sở này cũng thường xuyên được giám sát cũng như người thực hiện tiêm chủng thường xuyên được tập huấn liên tục cập nhật về vắc xin mới, quy trình tiêm an toàn. Đây chính là điểm mạnh của hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam và đã được thế giới ghi nhận.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong số rất ít nước có được hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia quản lý đến từng người được tiêm. Dữ liệu từ hệ thống giúp đảm bảo cho công tác an toàn tiêm.
Trước đó, ngày 7/5 trên địa bàn tỉnh An Giang đã ghi nhận một nữ nhân viên y tế 35 tuổi tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Với những trường hợp sốc phản vệ sau tiêm chủng, nhiều nước châu Âu, trong đó có Anh, đã đưa ra khuyến nghị người dưới 40 tuổi không tiêm vắc xin AstraZeneca do lo ngại về rủi ro đông máu ở người trẻ.