|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hệ quả chiến tranh thương mại: 'Nhà máy Trung Quốc bị đe dọa, Việt Nam hoạt động hết công suất'

23:57 | 10/07/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, hãng cung ứng hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới Li & Fung cho biết các nhà máy của Trung Quốc đang trở nên "cùng quẫn và tuyệt vọng" vì nhà bán lẻ Mỹ thúc đẩy quá trình chuyển sản xuất ra khỏi quốc gia châu Á này.
800x-1

Khung cảnh một nhà máy sản xuất quần áo ở Bắc Giang, Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg)

"Số lượng nhà máy ngừng hoạt động ở Trung Quốc sẽ tăng lên"

Ông Spencer Fung, CEO của công ty Li & Fung (có trụ sở tại Hong Kong), nhận định số lượng nhà máy ngừng hoạt động ở Trung Quốc sẽ tăng lên.

Li & Fung là công ty chuyên thiết kế, cung cấp và vận chuyển hàng tiêu dùng từ châu Á đến một số nhà bán lẻ thuộc nhóm lớn nhất thế giới, chẳng hạn như Walmart và Nike. Hiện tại, các khách hàng Mỹ đang thúc ép Li & Fung chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

"Khách hàng tại Mỹ chắc chắn rất lo lắng", Bloomberg dẫn lời ông Fung trong một cuộc phỏng vấn.

"Biên lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp đều đang mỏng như dao cạo và đa phần hoạt động sản xuất nằm ở Trung Quốc. Vì vậy, nếu nguồn cung lớn nhất tăng giá 25%, đối tác Mỹ sẽ lo lắng", ông Fung đề cập đến qui mô thuế quan mà Tổng thống Trump đe dọa áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Sự thay đổi mang tính địa chấn trong hoạt động thương mại toàn cầu

Do có vị trí trung gian kết nối các đại gia bán lẻ Mỹ với các nhà máy có chi phí sản xuất thấp ở châu Á, Li & Fung có cách nhìn trực tiếp và độc đáo về sự thay đổi mang tính địa chấn đang diễn ra trên toàn thế giới dưới sức ép của chiến tranh thương mại.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán thương mại, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu mà từ lâu phụ thuộc vào Trung Quốc (phân xưởng của thế giới) đang thay đổi vĩnh viễn.

Intel cho biết họ đang xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, trong khi các hãng khác như Apple và Amazon được cho là đang làm điều tương tự.

"Hiện nay không ai đầu tư và mua sắm thêm. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến doanh nghiệp ngừng đầu tư vì họ không biết đặt tiền vào đâu", vị CEO từng được đào tạo tại Thung lũng Silicon này cho hay.

"Nhiều công ty đã rót vốn vào Việt Nam chỉ vì một dòng tweet", ông Fung nói, hàm ý nhắc đến thói quen công bố chính sách thương mại thông qua Twitter của Tổng thống Trump.

Do Li & Fung phụ thuộc nhiều vào thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mức đóng góp của Trung Quốc vào tổng nguồn cung của công ty sẽ lần đầu tiên giảm từ 59% năm 2015 xuống còn một nửa trong năm nay.

'Việt Nam đã hoạt động hết công suất'

Trong khi nhà máy ở Trung Quốc phải gánh chịu thiệt hại, doanh nghiệp ở các trung tâm sản xuất khác trên khắp châu Á đang trở thành người hưởng lợi, tuy nhiên chỉ đến một mức độ nào đó.

Ông Fung cho biết, các nhà bán lẻ Mỹ đã giành hết năng lực sản xuất ở Việt Nam khi họ vội vã rời Trung Quốc. Theo đó, ông nhấn mạnh rằng qui mô của các điểm đến mới khó lòng thay thế hoàn toàn danh hiệu "công xưởng thế giới" của Trung Quốc.

"Chẳng hạn, năng lực sản xuất ở Việt Nam được tận dụng tối đa. Doanh nghiệp Mỹ không thể bước vào được nữa", ông nói.

Trong khi đó, các nhà máy Trung Quốc đang hạ chi phí sản xuất vì tuyệt vọng, từ đó tạo cơ hội cho các thương hiệu tiêu dùng châu Âu và Nhật Bản.

Li & Fung đang khuyến khích các khách hàng ngoài nước Mỹ chuyển đến Trung Quốc để tận dụng chuỗi cung ứng hoàn thiện và chi phí thấp của đất nước này.

"Đây là cơ hội mua hàng của các nhà bán lẻ châu Âu và nước ngoài", ông Fung nói. "Tại Trung Quốc, nhiều nhà máy ghi nhận số lượng đơn hàng ít dần. Họ đang đưa ra mức chi phí khá ổn cho nhà bán lẻ nước ngoài".

Li & Fung, bắt đầu kinh doanh thương mại từ 113 năm trước, đang chứng kiến mức sụt giảm lợi nhuận lớn nhất trong vòng 5 năm qua khi các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba và Amazon loại bỏ nhà cung ứng trung gian cũng như khách hàng bán lẻ của công ty phải đối mặt với làn sóng đóng cửa cửa hàng.

Ông Fung cho biết lợi nhuận hoạt động cốt lõi của công ty sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Yên Khê