|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch tả heo khiến CPI tháng 6 của Trung Quốc duy trì ở mức cao nhất trong 15 tháng

12:56 | 10/07/2019
Chia sẻ
Số liệu lạm phát mới công bố hôm 10/7 đã tiết lộ hai vấn đề đau đầu của chính quyền Bắc Kinh là giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng trong khi giá sản xuất tại cổng nhà máy (PPI) trong tháng 6 có sụt giảm.
1e265436-a2b7-11e9-9a3c-98259c87fba2_image_hires_111648

Chỉ số PPI đang trên bờ vực giảm phát. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Trung Quốc duy trì ở 2,7%, tương đương với tháng 5. Đây là giá trị cao nhất trong 15 tháng qua.

Chỉ số CPI cho thấy giá cả đang tiếp tục tăng đối với người tiêu dùng Trung Quốc, ngay tại thời điểm nền kinh tế đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ nhiều mặt trận khác nhau.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của tháng 6 đang trong đà giảm phát khi ghi nhận ở mức 0% so với cùng kì năm ngoái. Vào tháng 5, chỉ số PPI đạt 0,6%.

Như vậy, chỉ số PPI tháng 6 vẫn thấp hơn kết quả thăm dò trung bình của Bloomberg là 0,1%.

Theo South China Morning Post, tiêu dùng nội địa đã là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh trong một khoảng thời gian. 

Với việc giá cả leo thang, lo ngại của Bắc Kinh gia tăng vì người tiêu dùng gặp khó khăn trong hoạt động mua sắm hơn.

Tuy nhiên, chỉ số PPI còn làm phát sinh một vấn đề khác đó là các nhà sản xuất của đất nước tỉ dân không thể nhận về mức giá mà họ muốn cho sản phẩm của mình.

3f93ca02-a2b9-11e9-9a3c-98259c87fba2_972x_111648

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) duy trì ở mức 2,7%, tương đương với tháng 5. (Ảnh: Reuters)

Điều này đã được phản ánh trong báo cáo doanh số ô tô tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2018 vào hôm 8/7. Tuy nhiên, sự gia tăng đi kèm với lưu ý rằng các đại lí đã khuyến mãi đến 50% để xả hàng tồn kho trước khi những qui định mới về khí thải có hiệu lực.

Chỉ số PPI chưa rơi xuống mức âm kể từ tháng 8/2016, khi duy trì ở mức 0% trong 54 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2012.

Chỉ số PPI thấp là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nặng về công nghiệp của Trung Quốc đang chững lại. Sản lượng công nghiệp đã tăng 5% trong tháng 5 so với một năm trước đó, nhưng giảm 5,4% so với tháng 4. Đây là giá trị thấp nhất kể từ năm 2002.

Chỉ số PMI vẫn yếu trong tháng 6, dù không thay đổi so với mức 49,4 hồi tháng 5. Nhìn chung, chỉ số PMI chính thức thấp hơn dự báo trung bình 49,5 ghi nhận trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế học tại Bloomberg.

Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc (NBS) gợi ý giá sản xuất giảm trong tháng 6 chủ yếu là do ngành năng lượng, khi các ngành công nghiệp chế biến dầu, than và nhiên liệu khác giảm 1,9% và ngành khai thác dầu, khí giảm 1,8%.

Trong một lưu ý vào đầu tuần này, nhà kinh tế Carlos Casanova phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface đã cảnh báo PPI sẽ chững lại, do giá dầu yếu hơn cũng như hoạt động sản xuất (gồm sản lượng công nghiệp và chỉ số PMI) thu hẹp trong tháng 6.

Dịch tả heo châu Phi hoành hành là nguyên nhân khiến chỉ số CPI tăng

Một cơn gió ngược khác đối với nền kinh tế Trung Quốc là dịch tả heo châu Phi. CPI tháng 6 cho thấy giá thực phẩm tăng 8,3%, với giá thịt heo tăng 21,1%. Con số này cao hơn 2,9 điểm phần trăm so với tháng 5.

Tuyên bố của NBS cho biết nguồn cung thịt heo đang khan hiếm. Ngoài ra, giá trái cây tươi tăng 42,7%, nhích hơn khoảng 16 điểm phần trăm so với tháng 5.

Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi và giá thịt heo tăng mới chính là nguyên nhân gây lo lắng nhất trong số các mặt hàng được sử dụng để tính CPI, vì thịt heo được xem là yếu tố quan trọng nhất ở Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa tổng tiêu thụ toàn cầu. Điều này nghĩa là giá thịt heo tăng đột biến sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.


Yên Khê

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.