Giá xăng giảm 2 lần trong tháng kéo CPI tháng 6 giảm nhẹ
Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 6. Theo đó, tháng này chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,09% so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2019 lại tăng 2,16%.
Tháng này, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với mức giảm 1,73% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 1/6 và 17/6. Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,2% chủ yếu do giá gas và giá dầu hỏa giảm; bưu chính viễn thông giảm 0,1%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng so với tháng trước bao gồm nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; giáo dục tăng 0,23%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,2%....
Tính chung, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay tăng là do giá các mặt hàng thực phẩm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt heo tăng 14,85%. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt của Bộ Công Thương làm giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá sách giáo khoa năm học 2019 - 2020 tăng từ tháng 4/2019 làm chỉ số giá văn phòng phẩm tăng 2,57% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất làm cho giá vàng thế giới tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/6/2019 tăng 5,1% so với tháng 5/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2019 tăng 1,98% so với tháng trước và tăng 1,74% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2019 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2018.