|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đi tìm nhà hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc?

19:28 | 09/07/2019
Chia sẻ
Trong nhiều tháng nay, giới thương nhân chuyên buôn bán nông sản hàng đầu thế giới đã nghĩ rằng họ sẽ hưởng lợi từ dịch tả heo châu Phi, vốn đang hoành hành trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, lợi nhuận mà những người này thu về còn tùy thuộc vào địa điểm họ kinh doanh nông sản.
1

Ảnh: Getty Images

Thành công sẽ đến với các công ty có nhà máy chế biến đậu nành thành thức ăn chăn nuôi heo ở các quốc gia có nhu cầu xuất khẩu thịt tăng.

Với việc dịch tả heo châu Phi đã xóa sổ một phần ba đàn heo tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực thu mua thêm đậu nành từ nước ngoài.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đóng một vai trò quan trọng vì Trung Quốc đang hạn chế nhập thịt heo từ Mỹ. Động thái này đã mang lợi đến cho nhà xuất khẩu thịt ở Nam Mỹ và châu Âu.

Đây là tin tốt lành cho hãng buôn nông sản Bunge (có trụ sở tại Chicago), công ty sở hữu phần lớn nhà máy chế biến đậu nành ở Nam Mỹ. 

Theo Bloomberg, nhu cầu đậu nành của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm lần đầu tiên sau 15 năm do bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan.

Thị trường Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, sẽ thu lợi lớn

"Thị trường đang đổ dồn sự chú ý vào các đối tác thương mại hưởng lợi từ tình hình hiện tại. Brazil là lựa chọn tốt nhất để cung cấp tất cả loại thịt và sau đó là đến Liên minh châu Âu (EU) cho thịt heo", ông Will Sawyer, nhà kinh tế học về lĩnh vực đạm động vật tại ngân hàng cho vay nông thôn CoBank ACB, nhận định.

Ông cho biết thêm các khu vực có thể xuất khẩu thịt sang Trung Quốc.

"Như vậy, trong thời gian tới, các nhà máy nghiền đậu nành ở Nam Mỹ có triển vọng hơn hết", ông Sawyer nói.

33% công suất sản xuất của Bunge là ở Nam Mỹ, 26% ở châu Âu và 27% ở Bắc Mỹ. 

Điều này sẽ giúp Bunge đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia tăng ở các quốc gia như Brazil (nơi cổ phiếu của nhà cung cấp thịt hàng đầu JBS SA tăng gần gấp đôi trong năm nay).

"Chúng tôi hài lòng vì công ty chỉ sắp xếp 15% công suất chế biến ở Trung Quốc", CEO Greg Heckman của Bunge chia sẻ tại hội nghị BMO (New York) hồi tháng 5. "Chúng tôi sẽ xuất khẩu ít sản phẩm sang Trung Quốc hơn".

Trong khi đó, ADM có thể bị ảnh hưởng đầu tiên từ dịch tả heo châu Phi, theo nhà phân tích Patrick Yau của Citigroup. Nguyên nhân là 25% cổ phần của hãng này đặt tại Wilmar International (có trụ sở ở Singapore).

Wilmar International đang cạnh tranh với công ty thực phẩm hàng đầu Trung Quốc Cofco để giành danh hiệu nhà chế biến đậu nành lớn nhất châu Á.

Hãng chế biến thực phẩm Singapore đã ghi nhận biên lợi nhuận âm và kết quả kinh doanh yếu trong quí I/2019 do dịch tả heo châu Phi. 

Cargill, công ty tư vấn tư nhân lớn nhất nước Mỹ, cho biết doanh thu từ sản phẩm chăn nuôi và đậu nành nghiền của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả heo châu Phi trong giai đoạn kết thúc vào ngày 28/2.

Nếu Mỹ - Trung kí kết thỏa thuận thương mại, thị trường sẽ có động lực đi lên

Mặc dù Mỹ thường là một trong những nhà cung cấp thịt lớn, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang làm tổn hại khả năng cạnh tranh của Mỹ sau khi thuế quan áp lên thịt heo Mỹ được giữ nguyên khi đàm phán thương mại được nối lại tại hội nghị G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng trước.

Theo CEO Joe Sanderson của nhà sản xuất thịt gà Sanderson Farms (lớn thứ ba ở Mỹ), điều đó nghĩa là Mỹ chỉ có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường toàn cầu còn sót lại sau khi các quốc gia khác tập trung xuất khẩu thịt sang Trung Quốc.

Ông Sawyer nhận định, khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thịt, các doanh nghiệp Bắc Mỹ cũng sẽ hưởng lợi. 

Nếu Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại, động lực cho các nhà sản xuất thịt của Mỹ cũng như các nhà cung cấp đậu nành nghiền sẽ rất lớn.

Xóa sổ dịch bệnh và xây dựng lại đàn gia súc ở Trung Quốc, tiêu thụ một nửa lượng thịt heo của thế giới, dự kiến mất 3 - 5 năm vì cơ cấu ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc khá phức tạp, với nhiều cơ sở chăn nuôi manh mún khiến khó kiểm soát dịch.

Khả Nhân

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.